Chốt phiên giao dịch ngày 24/9 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 17 cents tương ứng 0,4% lên 41,94 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tăng mạnh 38 cents tương ứng 1% lên mức 40,31 USD/thùng. Mức chênh lệch giữa giá dầu thô Brent và dầu thô WTI hiện xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 5/2020.
Giá dầu thô được giữ ổn định trong phiên giao dịch hôm qua chủ yếu nhờ các thông tin tích cực về việc tồn trữ dầu thô và nhiên liệu tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm mạnh hơn so với dự báo. Điều này đã phần nào bù đắp lại tác động từ việc một số quốc gia Châu Âu bao gồm Vương quốc Anh, Đức và Pháp tái áp đặt các biện pháp hạn chế di chuyển để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, ông Craig Erlam, chuyên gia phân tích cấp cao tại hãng chứng khoán OANDA, cảnh báo “Giá dầu thô đã được giữ ổn định vào lúc này nhưng vẫn đang chịu áp lực giảm giá khi số ca nhiễm mới Covid-19 tại khu vực Châu Âu đang tăng lên”.
Bên cạnh đó, giá dầu thô có thể sẽ giảm xuống khi các số liệu cho thấy số đơn mới xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ đã bất ngờ tăng trở lại trong tuần trước. Điều này có thể cho thấy đà phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ đã chậm lại sau khi Chính phủ nước này ngưng các khoản hỗ trợ.
Mặc dù dữ liệu chính thức của Chính phủ Hoa Kỳ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô và nhiên liệu tại nước này đã giảm xuống trong tuần trước, dữ liệu cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu vẫn ở mức yếu dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Mức tiêu thụ xăng dầu trung bình ngày của 4 tuần gần đây nhất tại Hoa Kỳ đã giảm 9% so với cùng kỳ năm 2019.
Về phía nguồn cung, thị trường dầu mỏ hiện tập trung theo dõi việc Libya tăng cường xuất khẩu dầu mỏ trở lại sau khi tuyên bố tái mở cửa các cảng xuất dầu. Hãng tin Reuters cho biết đã có một tàu chở dầu đến nhận hàng tại một cảng xuất dầu mới được mở cửa trở lại tại Libya và dự báo sẽ cố thêm nhiều tàu chở dầu nữa đến khu vực này trong các tuần tới. Sự gia tăng nguồn cung dầu thô từ Libya có thể đè năng thêm áp lực giảm giá lên giá dầu thô.