Vào lúc 9h17 sáng nay (ngày 24/9, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai đã giảm 36 cents tương ứng 0,9% xuống mức 39,57 USD/thùng; giá dầu thô Brent giao tương lai cũng giảm 28 cents tương ứng 0,7% xuống mức 41,49 USD/thùng. Giá dầu thô chịu áp lực giảm trở lại do giới đầu tư lo ngại về triển vọng phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất toàn cầu.
Triển vọng phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ và của nhiều nước Châu Âu đang gặp thách thức khi số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng nhanh trở lại. Một số quốc gia Châu Âu đã tái áp đặt các lệnh hạn chế di chuyển nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Vương quốc Anh và Đức đã áp dụng một số biện pháp hạn chế mới.
Bộ phận nghiên cứu của tập đoàn tài chính ANZ cho biết số lượng các chuyến bay tại khu vực Châu Âu trong thời điểm hiện tại chỉ đạt 40% so với cùng kỳ năm 2019 do các biện pháp hạn chế di chuyển nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Sự lo ngại về rủi ro phục hồi kinh tế đã khiến giới đầu tư chuyển hướng dòng tiền sang các loại tài sản có tính an toàn cao như đồng USD, qua đó đẩy giá đồng USD lên cao và khiến các loại hàng hoá được định giá bằng đồng USD như dầu mỏ chịu áp lực giảm.
Trong phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô đã tăng nhẹ sau khi dữ liệu chính thức của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô và nhiên liệu tại Hoa Kỳ đã giảm xuống trong tuần trước. Trong đó, lượng tồn trữ xăng dầu đã giảm mạnh hơn mức dự báo, giảm đến 4 triệu thùng.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ hiện vẫn ở mức yếu dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Mức tiêu thụ xăng dầu trung bình ngày trong 4 tuần gần nhất tại Hoa Kỳ chỉ đạt 8,5 triệu thùng/ngày, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá dầu thô bắt đầu giảm xuống sau khi dữ liệu mới được công bố cho thấy hoạt động kinh doanh tại Hoa Kỳ đã chậm lại trong tháng 9/2020. Bên cạnh đó, giới chức Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cũng lên tiếng cảnh báo đà phục hồi kinh tế của nước này có thể bị chặn lại.
Về phía nguồn cung, thị trường dầu mỏ hiện vẫn lo ngại việc Libya tái mở cửa trở lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ mặc dù chưa có thông tin rõ ràng về khối lượng dầu mỏ sẽ được Libya đưa ra thị trường. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya được cho rằng sẽ nâng mức xuất khẩu dầu thô thêm 260.000 thùng/ngày trong tuần tới.