Chốt phiên giao dịch ngày 24/6 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 8/2022 đã tăng mạnh thêm 3,07 USD lên 113,12 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tăng tới 3,35 USD lên 107,62 USD/thùng. Qua đó, chấm dứt 3 phiên giảm giá mạnh liên tiếp.
Đà phục hồi của giá dầu thô trong phiên giao dịch cuối tuần này chủ yếu nhờ tình trạng căng thẳng nguồn cung dầu trên toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn khi Libya phải ngưng gần như toàn bộ hoạt động khai thác dầu vì tình trạng bất ổn chính trị. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Libya là quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ 7 trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và là quốc gia có sản lượng lọc hoá dầu lớn thứ 3 tại khu vực châu Phi, sau Nigeria và Algeria.
Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent gần như không biến động; trong khi đó, giá dầu thô WTI giảm nhẹ 0,3% - xác lập tuần giảm giá thứ hai liên tiếp. Giá dầu thô thế giới đã biến động mạnh trong tuần này trong bối cảnh thị trường ngày càng lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát.
Nhiều chuyên gia phân tích cảnh báo giá dầu thô sẽ còn biến động mạnh trong thời gian tới khi thị trường bị tác động từ các tin tức trái chiều, giữa tình trạng căng thẳng nguồn cung và triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu suy yếu vì tăng trưởng kinh tế giảm tốc.
Chuyên gia phân tích thị trường Stephen Brennock thuộc hãng môi giới giao dịch dầu thô hàng đầu thế giới PVM (Anh), nhận định mặc dù thị trường lo ngại về suy thoái kinh tế nhưng “có sự đồng thuận chi phối thị trường rằng nhu cầu sử dụng nhiên liệu sẽ ở mức cao nhưng nguồn cung tiếp tục rơi vào tình trạng căng thẳng trong những tháng mùa Hè này”. Do đó, ông Stephen Brennock cho rằng giá dầu thô sẽ còn được nâng đỡ trong thời gian tới.
Thị trường hiện tập trung quan sát dữ liệu về dự trữ dầu thô và các loại nhiên liệu tại Hoa Kỳ trong tuần trước. Dữ liệu chính thức sẽ được Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) công bố trong tuần sau. OPEC và các quốc gia sản xuất dầu thô đồng minh (hay còn gọi là Liên minh OPEC+) cũng sẽ nhóm họp trong tuần sau để đánh giá tình hình thị trường và quyết định chính sách khai thác trong thời gian tới.
Giới quan sát nhận định liên minh OPEC+ nhiều khả năng sẽ giữ nguyên cam kết nâng sản lượng như trong tháng trước. Ông Michael Lynch, Chủ tịch hãng tư vấn Strategic Energy & Economic Research (Hoa Kỳ), nhận định các quốc gia có sản lượng khai thác thấp trong liên minh OPEC+ sẽ phản đối việc nâng sản lượng khai thác lên cao hơn so với kế hoạch trước đây do công suất khai thác dự phòng tại những nước này đã cạn kiệt. Trong khi đó, Nga - quốc gia đứng đầu các nước khai thác dầu thô đồng minh của OPEC sẽ không muốn các nước khác chiếm lĩnh thị phần và Saudi Arabia - quốc gia lãnh đạo khối OPEC mong muốn duy trì sự hợp tác giữa các bên.