Cơ quan quản lý khí đốt Bundesnetzagentur của Đức vừa đưa ra kế hoạch chi tiết về hệ thống đấu giá các lô khí đốt mới nhằm khuyến khích các khách hàng tại nước này sử dụng tiết kiệm khí đốt hơn. Hệ thống đấu giá này sẽ được áp dụng ngay trong những tuần tới đây.
Ông Klaus Mueller, Chủ tịch Bundesnetzagentur, cho biết “Chúng ta đang có vấn đề” khi đánh giá về khả năng đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu khí đốt của Đức trong mùa Đông tới đây.
Trong tuần trước, tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) cho biết giảm 60% lượng khí đốt cung cấp cho Đức qua hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 1 so với kế hoạch với lý do hãng Siemens của Đức “chậm trả lại các thiết bị cần thiết sau sửa chữa” cho đường ống dẫn khí. Tuyến đường ống Nord Stream 1 là tuyến đường ống cung cấp khí đốt chủ lực cho Đức nói riêng và Liên minh châu Âu (EU) nói chung.
Trong ngày 21/6, Chính phủ Italy công bố các biện pháp ban đầu để tăng cường dự trữ khí đốt, sau khi tập đoàn năng lượng Eni của nước này cho biết tập đoàn Gazprom đã giảm gần 50% lượng khí đốt cung ứng cho Italy so với kế hoạch trong hơn một tuần qua.
Chính phủ Italy cho biết có thể sẽ phải đẩy mạnh thu mua than để tăng cường huy động nguồn điện từ các nhà máy nhiệt điện than, qua đó tiết kiệm được lượng khí đốt hiện có. Công ty điều hành hệ thống phân phối khí của Pháp GRT cũng cho biết Pháp đã không nhận được khí đốt của Nga qua hệ thống dẫn khí từ Đức trong hơn 1 tháng qua.
Ngay cả nền kinh tế có mức tiêu thụ khí đốt thấp như Thuỵ Điển cũng đã khởi động giai đoạn đầu của kế hoạch chống khủng hoảng năng lượng. Cơ quan năng lượng thuộc Chính phủ Thụy Điển hiện cho biết nguồn cung khí đốt tại nước này vẫn dồi dào nhưng cảnh báo tình hình trên thị trường khí đốt tại châu Âu hiện đang rất căng thẳng và tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể trở nên trầm trọng hơn.
Đan Mạch đã kích hoạt giai đoạn đầu tiên của kế hoạch khẩn cấp về an ninh năng lượng trong đầu tuần này. Các quốc gia khác, như Áo, Hà Lan, cũng có động thái tương tự trước lo ngại Nga có thể giảm mạnh, thậm chí ngưng cung cấp khí đốt cho EU. EU hiện đang ráo riết tìm kiếm nguồn cung khí đốt bổ sung qua các hệ thống đường ống dẫn khí từ Na Uy và Azerbaijan. Tuy nhiên, giới quan sát cho biết hầu hết các hệ thống đường ống dẫn khí này không còn khả năng tăng cường thêm công suất.
Trước khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra, nguồn khí đốt từ Nga đáp ứng đến 40% tổng nhu cầu sử dụng khí đốt của EU, riêng Đức phụ thuộc tới 55% nguồn cung khí đốt vào Nga.
Đầu tuần này, hãng nghiên cứu và tư vấn Wood Mackenzie (Anh) cảnh báo nếu như nguồn cung khí đốt từ Nga qua hệ thống đường ống Nord Stream 1 bị ngưng hoàn toàn thì Liên minh châu Âu sẽ không thể tích luỹ đủ lượng khí đốt cần thiết cho mùa Đông năm nay và lượng dự trữ khí đốt hiện có sẽ cạn kiệt vào tháng 1/2023 – cao điểm tiêu thụ khí đốt.
Trong phiên giao dịch ngày 22/6, giá khí đốt giao tháng 7/2022 trên sàn giao dịch TTFF (Hà Lan) giao dịch quanh mức 128 EUR/MWh, hướng tới phiên tăng giá thứ ba liên tiếp kể từ đầu tuần này. Tính từ đầu tháng 6 đến nay, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng hơn 36%. Giá khí đốt TTF được xem là giá tham khảo chuẩn cho các giao dịch khí đốt tại châu Âu.
Dựa trên tình trạng cung – cầu khí đốt tại châu Âu, tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) dự báo giá khí đốt tại đây sẽ đạt trung bình 104 EUR/MWh trong quý 3/2022, cao hơn nhiều so với mức dự báo trước đó chỉ ở mức 85 EUR/MWh. Mặc dù mức giá dự báo mới của Goldman Sachs thấp hơn đáng kể so với mức giá trên thị trường hiện nay, nhưng mức giá dự báo này vẫn cao hơn tới gần 51% so với hồi đầu năm nay.