Vào lúc 11h00 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai tiếp tục 0,4% xuống còn 73,14 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm xuống còn 71,80 USD/thùng; hướng đến phiên giảm giá thứ ba liên tiếp. Chốt phiên giao dịch ngày 7/7 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent đã chịu áp lục giảm 1,5% và giá dầu thô WTI giảm 1,6%.
Kể từ khi liên minh OPEC+ tuyên bố huỷ bỏ phiên họp điều hành chính sách khai thác dầu thô cho tháng 8/2021 vào ngày 5/7 do các bất đồng về mức tăng sản lượng khai thác, thị trường dầu mỏ đã rơi vào trạng thái hỗn loạn.
Thị trường lo ngại việc Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) kiên quyết đòi nâng sản lượng khai thác của mình cao hơn mức phân bổ theo kế hoạch do Ả-rập Xê-út và Nga đề xuất sẽ khiến liên minh OPEC+ đối mặt rủi ro tan vỡ.
Việc không đạt được thống nhất kế hoạch hành động chung có thể khiến UAE cũng như các quốc gia thành viên khác tự nâng sản lượng khai thác nhằm tận dụng lúc giá dầu thô còn ở mức cao và nhu cầu thị trường đang phục hồi mạnh. Điều này đã khiến giá dầu thô Brent lao dốc, giảm tới 5,3% kể từ ngày 5/7.
Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga dẫn đầu. UAE hiện là quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn thứ ba khối OPEC và xuất khẩu dầu thô lớn thứ 7 thế giới.
Trước đó, hồi tháng 3/2020, Nga đã rời khỏi liên minh OPEC+ sau những bất đồng về chính sách khai thác sản lượng và kích hoạt cuộc chiến giá dầu nhằm cạnh tranh thị phần với Ả-rập Xê-út. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã buộc Nga phải quay trở lại liên minh nhằm cùng ngăn chặn giá dầu thô suy giảm.
Ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích cấp cao tại hãng phái sinh hàng hoá Price Futures Group (Hoa Kỳ), nhận định “Một số nhà đầu tư lo ngại thị trường dầu mỏ sắp chứng kiến một cuộc chiến về sản lượng khai thác nhưng tôi cho rằng hầu hết mọi người sẽ nhận định điều này khó có thể xảy ra. Việc UAE rời khỏi khối OPEC là điều có thể xảy ra và quốc gia này sẽ tự điều hành chính sách khai thác dầu thô của mình. Nếu điều này xảy ra thì vấn đề tiếp theo là sự cạnh tranh về thị phần giữa các quốc gia khai thác dầu”.
Hãng tin Reuters cho biết Nga đang nỗ lực làm trung gian giúp Ả-rập Xê-út và UAE đạt tiếng nói chung về vấn đề nâng sản lượng khai thác. Trong ngày 6/7, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã lên tiếng gạt bỏ nguy cơ xảy ra chiến tranh giá dầu mới.
Ông Phil Flynn nhận định đà giảm của giá dầu thô hiện nay có thể sẽ bị kìm hãm khi dữ liệu của Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của nước này trong tuần trước đã giảm tới 8 triệu thùng. Dữ liệu chính thức sẽ được Bộ Năng lượng Hoa Kỳ công bố trong ngày 8/7 (theo giờ địa phương).