Chốt phiên giao dịch ngày 9/7 (theo giờ địa phương), giá dầu thô Brent giao tương lai tăng mạnh 1,93% lên mức 75,55 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) bật tăng tới 2,2% lên 74,56 USD/thùng, đánh dấu phiên giao dịch tăng giá thứ 2 liên tiếp sau 3 phiên lao dốc đầu tuần này.
Đà bật tăng của giá dầu thô chủ yếu nhờ dữ liệu cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước tiếp tục giảm, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020, nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ hiện cũng đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2019; phản ánh nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phục hồi mạnh. Đồng thời, các thông tin thị trường cũng cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu của khu vực Châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc và Ấn Độ, đang ở mức tốt.
Ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng phái sinh hàng hoá Price Futures Group (Hoa Kỳ), cho biết thị trường hiện tiếp tục phản ứng tích cực với thông tin lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ sụt giảm mạnh cũng như khả năng Iran khó có thể sớm tăng xuất khẩu dầu thô như các lo ngại trước đây.
Bên cạnh đó, thị trường còn được nâng đỡ nhờ rủi ro bùng nổ cuộc chiến giá dầu thô giữa các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ tiếp tục được kiểm soát, theo ông Phil Flynn.
Trong 3 phiên giao dịch đầu tuần này, giá dầu thô quốc tế đã lao dốc mạnh, giảm 5% do thị trường lo ngại liên minh OPEC+ có thể tan vỡ và các quốc gia thành viên sẽ chạy đua tăng sản lượng khai thác để chiếm thị phần. Liên minh OPEC+ đang đối mặt các bất đồng nội bộ nghiêm trọng khi Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) kiên quyết đòi được tăng sản lượng khai thác thay vì tiếp tục duy trì mức sản lượng thấp như Ả-rập Xê-út và Nga đề xuất.
Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạp và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện đang kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. UAE hiện là quốc gia có sản lượng khai thác lớn thứ 3 khối OPEC.
Nga đang nỗ lực làm trung gian giúp Ả-rập Xê-út và UAE đạt tiếng nói chung về vấn đề nâng sản lượng khai thác. Trong ngày 6/7, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã lên tiếng gạt bỏ nguy cơ xảy ra chiến tranh giá dầu mới. Giới quan sát nhận định một cuộc chiến giá dầu sẽ không đem lại bất kỳ lợi ích cho các bên trong dài hạn và liên minh OPEC+ có thể sẽ đồng ý cho UAE cũng như một số quốc gia khác nâng thêm sản lượng ở mức thấp.
Hiện tại thị trường dầu mỏ tập trung quan sát sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 với biến chủng Delta tại một số quốc gia. Một số đánh giá hiện tại cảnh báo rủi ro biến chủng Delta sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu.