Trung Quốc nỗ lực kiểm soát sản xuất thép, giá quặng sắt lao dốc

Giá quặng sắt và nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép tại Trung Quốc đã lao dốc trong ngày 8/7 khi giới chức nước này siết chặt hoạt động sản xuất thép. Tuy nhiên, điều này đã khiến giá các loại thép bật tăng mạnh.
Giá quặng sắt
Diễn biến giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên sàn DCE kể từ đầu năm đến nay (Đồ hoạ: Barchart.com)

Chốt phiên giao dịch ngày 8/7, giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) đã giảm mạnh 2,9% xuống còn 1.188 Nhân dân tệ (tương đương 183,14 USD)/tấn. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá quặng sắt lao dốc, mất 3,6%.

Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cũng cho thấy giá quặng sắt loại hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại miền Bắc Trung Quốc (giá CFR tại cảng Thanh Đảo) trong hôm qua giảm 1,8% xuống còn 218,04 USD/tấn. Giá quặng sắt giao sau trên sàn DCE được xem là mức giá chuẩn đối với quặng sắt trên thị trường kỳ hạn tại Trung Quốc; trong khi đó, giá quặng sắt CFR tại cảng Thanh Đảo là mức giá chuẩn đối với quặng sắt trên thị trường giao ngay của nước này.

Bên cạnh đó, giá than coke giao tương lai trên sàn DCE cũng giảm mạnh 5,3% xuống còn 1.831 Nhân dân tệ/tấn – mức thấp nhất kể trong vòng 1 tháng trở lại đây.

Giá các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất thép tại Trung Quốc đang chịu áp lực giảm khi một số nhà máy sản xuất thép lớn tại khu vực phía Đông nước này buộc phải ngưng hoạt động một phần sau khi các cơ quan chính quyền tại đây tiến hành kiểm tra. Nhiều nhà máy thép đang tăng cường hoạt động trở lại sau khi nước này kết thúc các hoạt động kỷ niệm ngày lễ quan trọng hồi đầu tháng 7.

Thị trường lo ngại việc Chính phủ Trung Quốc đẩy mạnh kiểm soát hoạt động sản xuất thép nhằm đảm bảo đạt mục tiêu kiểm soát phát thải khí nhà kính sẽ khiến nhu cầu sử dụng quặng sắt và than coke giảm trong thời gian tới. Hồi đầu năm nay, các cơ quan chức năng tại Trung Quốc đã cho biết sẽ tiến hành kiểm tra một số nhà máy sản xuất thép trong khoảng thời gian từ tháng 6 – tháng 7.

Hãng tư vấn tài chính SP Angel (Anh) cho biết Trung Quốc sẽ cần phải cắt giảm hơn 50 triệu tấn sản lượng thép trong 6 tháng cuối năm nay nhằm đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải carbon.

Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 5 vừa qua đã đạt mức cao kỷ lục 99,5 triệu tấn; qua đó, nâng tổng sản lượng thép thô của nước này trong 5 tháng đầu năm nây lên mức 466,3 triệu tấn. Con số này cao hơn tới 13% mức sản lượng cùng kỳ năm 2020 và trái ngược với mục tiêu giảm sản lượng thép thô mà Chính phủ Trung Quốc đã đề ra trong năm nay.

Tuy nhiên, các thông tin về việc siết chặt kiểm soát hoạt động sản xuất thép lại đẩy giá thép trên thị trường Trung Quốc tăng lên. Cụ thể, giá thép thanh xây dựng giao tháng 10/2021 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng 1% lên mức 5.393 Nhân dân tệ/tấn; giá thép cuộn cán nóng tăng 1,4% lên 5.750 Nhân dân tệ/tấn; giá thép không gỉ cũng tăng tới 2,6% lên mức 17.135 Nhân dân tệ/tấn.

Trước đó, một số đơn vị phân tích nhận định giá thép tại Trung Quốc có thể bật tăng mạnh trở lại và đạt các mức cao kỷ lục như hồi tháng 5 vừa qua nếu như nguồn cung bị siết lại trong bối cảnh nhu cầu sử dụng thép tại nước này vẫn ở mức tốt. Việc giá các loại hàng hoá cơ bản, trong đó có giá thép và giá quặng sắt, tăng mạnh trong nửa đầu năm nay đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc, đe doạ làm chệch hướng quá trình phục hồi kinh tế nước này.

Trong ngày 7/7, Chính phủ Trung Quốc cho biết có thể áp dụng các chính sách tiền tệ mới bao gồm việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hệ thống ngân hàng nước này nhằm hỗ trợ nền kinh tế nước này nhằm chống lại tình trạng giá hàng hoá cơ bản tăng cao.

Quang Đặng