Vào lúc 9h27 sáng ngày 4/2 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent đã tăng 21 cents tương ứng 0,4% lên mức 54,66 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 32 cents tương ứng 0,6% lên 50,43 USD/thùng. Giá dầu thô tăng trở lại trong bối cảnh các thị trường tài chính cũng phục hồi tăng điểm trở lại, các nhà đầu tư bắt đầu ổn định tâm lý trước các tác động của dịch virus Corona đến nền kinh tế Trung Quốc nói riêng, nền kinh tế toàn cầu nói chung. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã giảm hơn 20%.
Đà giảm giá của dầu thô còn được chặn lại bởi thông tin khối OPEC và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh như Nga (khối OPEC+) có thể đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác hơn nữa trong bối cảnh dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu có thể giảm vì dịch virus Corona.
Trong tháng 12/2020, khối OPEC+ đã thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác 1,7 triệu thùng/ngày trong 3 tháng đầu năm 2020 để hỗ trợ giá dầu thô. Hãng tin Reuters cho biết khối OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng khai thác thêm 500.000 thùng/ngày, nâng tổng mức cắt giảm lên 2,2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu thô trong thời điểm hiện tại.
Theo đánh giá sơ bộ của nhiều nhà phân tích, nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc có thể giảm đến 250.000 thùng/ngày trong quý 1/2020 do dịch virus Corona bùng phát. Thậm chí, một số nhà phân tích dự báo nếu như dịch virus Corona bùng phát như dịch SARS hồi năm 2003, nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc có thể giảm tới 400.000 thùng/ngày.
Số liệu mới nhất cho thấy sản lượng khai thác của 13 quốc gia thành viên khối OPEC trong tháng 1/2020 giảm còn 28,35 triệu thùng/ngày, giảm 640.000 thùng/ngày so với mức sản lượng hồi tháng 12/2019. Đây cũng là mức khai thác thấp nhất của khối OPEC kể từ năm 2009.