Vào lúc 7h42 sáng nay (ngày 6/4, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã quay đầu tăng 83 cents tương ứng 1,3% lên 62,98 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 80 cents tương ứng 1,4% lên 59,45 USD/thùng. Trong phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã chịu áp lực giảm mạnh, lần lượt giảm 4,2% và 4,6%.
Sự phục hồi của giá dầu thô trong phiên giao dịch sáng nay chủ yếu do đồng USD suy yếu giúp các sản phẩm vốn được định giá bằng đồng USD như dầu thô trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác. Trong phiên giao dịch 5/4 (theo giờ Hoa Kỳ), đồng USD đã giảm 0,4% so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Bên cạnh đó, giá dầu thô còn được nâng đỡ bởi kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô của Vương quốc Anh sẽ sớm tăng trở lại. Vương quốc Anh vừa thông báo sẽ nới lỏng dần các biện pháp phong toả phòng chống đại dịch Covid-19 kể từ ngày 12/4 tới đây, bao gồm việc cho phép các loại hình kinh doanh như phòng tập gyms, cắt tóc được hoạt động trở lại.
Những tin tức tích cực trên đã phần nào giảm bớt áp lực tiêu cực lên giá dầu thô sau khi liên minh OPEC+ công bố kế hoạch tăng sản lượng khai thác trở lại kể từ tháng 5/2021 trong tuần trước. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út dẫn đầu và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo. Liên minh này hiện nắm giữ hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Bên cạnh thoả thuận nâng dần sản lượng khai thác trở lại, Ả-rập Xê-út cũng cho biết sẽ dần khôi phục sản lượng khai thác trong vòng 3 tháng. Hiện Ả-rập Xê-út đang tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày. Điều này sẽ khiến nguồn cung dầu thô gia tăng đáng kể trong thời gian tới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia.
Bộ phận nghiên cứu thị trường của tập đoàn ngân hàng ANZ (Australia) nhận định “Với việc số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng cao ở nhiều quốc gia như Ấn Độ và Liên minh Châu Âu, thị trường dầu mỏ sẽ phản ứng rất nhạy trước bất kỳ thông tin nào, bất kỳ việc áp đặt phong toả, hạn chế sự lây lân của dịch bệnh sẽ khiến giá dầu thô giảm trở lại”.
Dữ liệu mới nhất cho thấy số ca nhiễm mới Covid-19 tại Ấn Độ đã vượt mốc 100.000 ca/ngày, cao gấp 12 lần so với mức độ nhiễm hồi đầu tháng 2 vừa qua. Hiện Ấn Độ trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến nhu cầu sử dụng dầu thô của Ấn Độ - nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới.