Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 3/10, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2019 trên Sàn giao dịch thương mại New York (NYMEX) đã giảm 0,7% xuống mức 63,98 USD/thùng; đây là mức giảm giá mạnh nhất trong vòng hai tuần trở lại đây. Trước đó, giá dầu thô WTI đã liên tục tăng lên trong 3 phiên giao dịch gần đây do thị trường lo ngại giao tranh quân sự leo thang tại Libya sẽ gây gián đoạn nguồn cung dầu thô ra thị trường. Sản lượng khai thác dầu thô của Libya hiện đạt khoảng 1,1 triệu thùng/ngày, chiếm 1% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Cùng với các yếu tố về lo ngại việc Hoa Kỳ thắt chặt các biện pháp trừng phạt Iran và Venezuela, làm nguồn cung dầu thô ra thị trường giảm xuống sâu hơn. Giá dầu thô trong phiên giao dịch ngày 2/10 đã được đẩy tới ngưỡng 64,79 USD/thùng - mức giá cao nhất kể từ ngày 31/10/2018.
Giá dầu thô Brent giao tháng 6/2019 trên Sàn giao dịch ICE Futures Europe trong phiên giao dịch ngày 3/10 cũng đã giảm 49 cents xuống mức 70,61 USD/thùng.
Giá dầu thô thế giới chịu áp lực giảm sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn quốc tế “Bắc Cực – Lãnh thổ đối thoại” rằng nước này hài lòng với giá dầu thô hiện tại. Ông Vladimir Putin cũng nhận mạnh việc không ủng hộ sự tăng giá không có kiểm soát của dầu thô và việc giá dầu thô tăng cao cũng ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp khác của nước Nga. Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng cho biết nước này vẫn để ngỏ việc xem xét có nên tiếp tục hợp tác với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong việc tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác trong nửa cuối năm 2019.
Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết sẽ không cần thiết phải kéo dài việc cắt giảm sản lượng khai thác nếu như tình hình cung – cầu trên thị trường trở nên ổn định trong nửa cuối năm 2018. Nga hiện là nước có mức sản lượng khai thác dầu khí lớn thứ ba trên thế giới.
Đồng thời, vào ngày 8/4, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết việc cắt giảm nguồn cung dầu thô ra thị trường có thể không còn cần thiết sau tháng 6/2019. Ông Kirill Dmitriev nhận định tình hình thị trường đang được cải thiện và trong tháng 6 tới đây, khối OPEC và các nước đồng minh có thể loại bỏ việc cắt giảm sản lượng khai thác và tiến tới gia tăng trở lại nguồn cung. Ông Kirill Dmitriev cũng cho biết Nga có thể tăng sản lượng khai thác thêm 228.000 thùng/ngày tương đương với mức mà nước này đang cam kết cắt giảm theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và các nước đồng minh.
Cũng trong ngày 8/4, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al-Falih cho biết, thị trường dầu mỏ đang “tiến tới sự cân bằng” và các nhà sản xuất có thể không cần cắt giảm sản lượng bổ sung. Ông Falih cho biết, việc các nước như Nga, Iraq, Kuwait và UAE thực hiện cắt giảm sản lượng khai thác giúp thị trường đi đúng hướng. Hiện tại, tuy lượng dầu dự trữ vẫn cao hơn mức trung bình nhưng thị trường đang hướng tới sự tái cân bằng.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết thêm, việc gia hạn cắt giảm nguồn cung sẽ là vấn đề then chốt được thảo luận trong cuộc họp của khối OPEC và các nước đồng minh trong tháng 6 tới đây.
Đà tăng giá dầu thô trên thị trường hiện cũng đang bị kìm hãm từ một số yếu tố khác. Cụ thể, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 từ 3,5% xuống còn 3,3% - mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đây là lần thứ hai trong vòng 4 tháng, IMF giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu. IMF cắt giảm đáng kể dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm 2019 từ 2,5% xuống còn 2,3% và giảm còn 1,9% trong năm 2020. Ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), IMF cũng giảm mạnh dự báo tăng trưởng của khu vực này xuống chỉ còn 1,3% trong năm 2019 và nhích lên mức 1,5% trong năm 2020. Hai trong ba nền kinh tế lớn nhất khối Eurozone cũng bị cắt giảm 0,5% mức tăng trưởng so với dự báo đưa ra hồi tháng 1/2019. Trong đó Đức chỉ đạt mức tăng trưởng 0,8%, còn Italy chỉ đạt mức tăng trưởng 0,1%.
Triển vọng xấu về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã khiến thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô trong năm 2019 sẽ không được giữ ở mức tốt.