Chốt phiên giao dịch ngày 26/4 (theo giờ Hoa Kỳ), giá dầu thô Brent giao tương lai giảm 46 cents tương ứng 0,7% xuống mức 65,65 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm 23 cents tương ứng 0,4% xuống còn 61,91 USD/thùng.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm sau khi Uỷ ban kỹ thuật của liên minh OPEC+ cho biết đang đánh giá tác động của tình hình dịch Covid-19 tại Ấn Độ đối với nhu cầu sử dụng dầu thô của nước này. Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới, hiện đang đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất trên thế giới khi số ca nhiễm mới Covid-19 tại đây vượt hơn 300.000 ca nhiễm/ngày, các bệnh viện đều quá tải và thiếu hụt cả giường bệnh lẫn oxy y tế.
Uỷ ban kỹ thuật của liên minh OPEC+ chưa đưa ra điều chỉnh dự báo tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô năm nay trong bối cảnh Ấn Độ hiện vẫn chưa tiến hành phong toả toàn quốc và vẫn khuyến khích các địa phương nước này mở cửa duy trì hoạt động kinh tế. Các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới hiện cũng vẫn giữ nguyên các dự báo về tăng trưởng kinh tế Ấn Độ trong năm nay.
Các quốc gia thành viên liên minh OPEC+ sẽ nhóm họp trong tuần này để thảo luận về chính sách khai thác dầu thô trong thời gian tới. Hồi đầu tháng 4 vừa qua, liên minh OPEC+ đã đạt thoả thuận sẽ nâng dần sản lượng khai thác dầu thô từ tháng 5/2021. Trong tuần trước, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết liên minh OPEC+ có thể sẽ không đưa ra thay đổi lớn về chính sách khai thác.
Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các quốc gia khai thác dầu thô do Nga lãnh đạo, hiện cung ứng hơn 50% tổng lượng dầu thô trên toàn cầu. Tính chung cả tuần trước, giá dầu thô thế giới đã giảm 1% khi dịch Covid-19 tái bùng phát nghiêm trọng tại Ấn Độ và một số khu vực khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, giá dầu thô cũng chịu áp lực giảm do thị trường lo ngại tình trạng dư cung dầu thô khi Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) cho biết đã khôi phục trở lại việc xuất khẩu dầu thô. Trong tuần trước, sản lượng khai thác dầu thô của Libya đã sụt giảm mạnh khoảng 30% khi NOC tuyên bố tình trạng bất khả kháng tại cảng xuất dầu chính Hariga của nước này.