Hãng tàu Maersk nhận định nhu cầu vận chuyển hàng hoá từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đến các khu vực khác trên thế giới sẽ tiếp tục ở mức cao trong suốt quý 2/2021 nhưng lịch trình vận chuyển hàng đang gặp những thách thức nghiêm trọng.
Nguyên nhân chủ yếu do sự cố tắc nghẽn tại kênh đào Suez hồi cuối tháng 3 vừa qua gây ra sự cố chậm trễ dây chuyền trên các tuyến đường vận tải từ Châu Á đến Châu Âu và phần nào tác động đến các tuyến vận tải khác.
Bên cạnh đó, năng lực bốc dỡ tại nhiều cảng hiện không theo kịp nhu cầu, đặc biệt là trên các tuyến xuyên Thái Bình Dương và Châu Âu. Sự bùng nổ lưu lượng hàng hoá cùng với tình trạng thiếu hụt nhân lực tại các cảng Châu Âu và Hoa Kỳ do lây nhiễm Covid-19 đang khiến việc bốc dỡ hàng diễn ra lâu hơn.
Tình trạng thiếu hụt container rỗng trên quy mô toàn cầu hiện đang gây khó khăn nghiêm trọng cho ngành vận tải biển. Hãng Maersk cảnh báo tình trạng thiếu hụt container rỗng sẽ lên mức đỉnh điểm trong hai tuần tới đây khi việc vận chuyển ngược container rỗng về Châu Á bị trì hoãn cũng như lượng hàng hoá được khu vực Châu Á nhập khẩu từ các thị trường khác ở mức thấp.
Điều này được dự báo sẽ ảnh hưởng mạnh đến các cảng ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo hãng Maersk, các cảng Thượng Hải và Ninh Ba tại Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đây là hai đầu mối cung ứng hàng hoá chính cho thị trường Châu Âu. Kể từ ngày 3/5 trở đi, tình trạng thiếu hụt container sẽ được giảm bớt phần nào và nguồn cung container rỗng sẽ tăng lên kể từ giữa thấng 5, hãng Maersk cho biết.
Tình trạng thiếu hụt tàu và tắc nghẽn tại các cảng cũng đang diễn ra trên một số tuyến thương mại nội Châu Á. Các dữ liệu cho thấy có khoảng 370.000 container hàng loại 20 feet chuyển hướng đến Singapore trong tuần trước. Hãng Maersk cho biết thời gian chờ trung bình để được vào bốc dỡ hàng hoá tại cảng Singapore hiện là khoảng 1,5 ngày.
Ông Charlie Chu, phó chủ tịch điều hành tại Thái Lan của hãng tàu RCL (Regional Container Lines), cho biết tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển Châu Á đã trở nên nghiêm trọng hơn sau sự cố siêu tàu container Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez.
“Ước tính cho thấy sự cố này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi cung ứng ít nhất vài tuần nữa. Ùn tắc nghiêm trọng nhất hiện đang diễn ra tại cảng Singapore và cảng Klang (Malaysia). Một số cảng của Trung Quốc như Thượng Hải, Ninh Ba, Thanh Đảo, Shekou đang đối mặt với tình trạng thời tiết bất lợi cho việc bốc dỡ hàng hoá và việc tàu hàng vào dồn dập”, ông Charlie Chu cho biết.
Bên cạnh đó, tốc độ quay vòng chậm của các tàu hàng và container rỗng từ khu vực Hoa Kỳ và Châu Âu cũng ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung container cho các tuyến thương mại nội Châu Á. Hiện một số hãng tàu đang đẩy mạnh điều chuyển thêm tàu từ các tuyến khác về phục vụ các tuyến nội Châu Á.
Cụ thể, hãng tàu RCL đã phối hợp cùng hãng tàu ONE triển khai tuyến nối cảng Pusan (Hàn Quốc), Thanh Đảo (Trung Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc) với cảng Laem Chabang (Thái Lan). Trong tuần trước, hãng tàu MSC đã bổ sung thêm 4 tuyến nội Châu Á nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển hơn nữa giữa khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, đặc biệt là giữa Trung Quốc với Việt Nam và Thái Lan.
Nhu cầu vận chuyển trên các tuyến nội Châu Á có xu hướng ngày càng tăng cao hơn khi nhiều doanh nghiệp tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng của mình. Bà Grace Chia, Giám đốc thương mại hãng tàu MSC khu vực Châu Á, cho biết “Chúng tôi đang chứng kiến một lượng lớn linh kiện, nguyên liệu thô và các loại bán thành phẩm được vận chuyển giữa các quốc gia ở Châu Á trước khi thành phẩm được chuyển đến các khu vực khác trên thế giới”.