Dự báo mới nhất của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) cho thấy nhu cầu sử dụng thép trên toàn cầu trong năm nay sẽ tăng 5,8% lên mức 1,874 tỷ tấn và con số này sẽ tăng thêm 2,7% lên mức 1,925 tỷ tấn trong năm 2022 – tương đương với khoảng 85% tổng năng lực sản xuất thép toàn cầu. Những con số này cao hơn so với mức được WSA dự báo hồi tháng 10/2020.
Dự báo trên được WSA đưa ra với giả định rằng làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 thứ 3 (hoặc thứ 2 tại một số nước) sẽ được kiểm soát trong quý 2 năm nay và việc tiêm chủng sẽ được triển khai thông suốt, giúp nhu cầu sử dụng thép tại những nước tiêu thụ thép lớn dần phục hồi.
WSA cũng nhận định nhu cầu sử dụng thép toàn cầu trong năm 2020 chỉ giảm 0,2% dưới các tác động của đại dịch Covid-19, thấp hơn nhiều so với mức dự báo giảm 2,4% trước đây. Điều này cho thấy mức độ phục hồi của ngành thép thế giới “mạnh hơn và sớm hơn” do với các dự đoán ban đầu, theo ông Edwin Basson – Tổng giám đốc WSA.
Trung Quốc dẫn dắt đà phục hồi
Theo WSA, sự phục hồi nhu cầu sử dụng thép trên toàn cầu chủ yếu được dẫn dắt bởi thị trường Trung Quốc. Nhu cầu sử dụng thép của Trung Quốc trong năm 2020 đã tăng mạnh 9,1% so với năm 2019 trong bối cảnh nước này tung ra các gói phát triển cơ sở hạ tầng để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, WSA nhận định tốc độ tăng trưởng nhu cầu sử dụng thép của nước này sẽ giảm xuống còn 3% trong năm nay và ở mức 1% trong năm 2022 khi tác động từ các biện pháp kích thích kinh tế giảm dần. Trung Quốc hiện cũng là nước sản xuất thép thô lớn nhất thế giới.
WSA dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay có thể đạt 7,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng 2,3% trong năm ngoái, và sau đó sẽ đạt mức tăng 5,5% vào năm 2022. Tổng thể chung, các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc đã phục hồi mạnh so với năm ngoái, bao gồm cả hoạt động xây dựng – lĩnh vực sử dụng thép nhiều nhất.
Theo WSA, dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản của Trung Quốc có thể sẽ giảm xuống trong thời gian tới do chính phủ nước này tăng cường kiểm soát, hạn chế nguy cơ “bong bóng” và hướng đến tăng trưởng bền vững. Đối với ngành sản xuất ô tô – lĩnh vực sử dụng thép nhiều thứ hai tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất chỉ giảm 1,4% trong năm 2020.
Tổng giám đốc WSA Edwin Basson cho biết Trung Quốc đang hướng đến việc thúc đẩy tiêu dùng trở thành trụ cột tăng trưởng mới, thay cho việc gia tăng đầu tư. Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng 2% - 3% thì cũng vẫn có tác động rõ rệt lên nhu cầu sử dụng thép toàn cầu, theo ông Edwin Basson.
Suy giảm mạnh nhu cầu tại các nền kinh tế phát triển
Ông Al Remeithi, chủ tịch ủy ban kinh tế thế giới thuộc WSA, cho biết nhu cầu sử dụng thép ở những khu vực còn lại trên thế giới đã giảm 10% trong năm ngoái và nhu cầu tiếp tục ở mức yếu đối với các nền kinh tế phát triển. Diễn biến của đại dịch Covid-19 tiếp tục gây ra sự không chắc chắn về nhu cầu sử dụng thép cho thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, trong năm 2021, theo ông Al Remeithi.
WSA dự báo nhu cầu sử dụng thép của các nền kinh tế phát triển sẽ đạt 8,2% trong năm nay và đạt 4,2% trong năm 2022. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng thép trong năm 2022 sẽ vẫn thấp hơn so với mức trước khi đại dịch xảy ra. Trong năm ngoái, nhu cầu sử dụng thép của các nền kinh tế phát triển đã giảm đến 12,7%.
Tại Hoa Kỳ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, các khoản chi lớn liên quan đến phát triển hạ tầng hiện đang được Chính phủ nước này xem xét. Đà phục hồi nhu cầu sử dụng thép tại nước này sẽ vẫn ở mức yếu trong ngắn hạn khi các hoạt động xây dựng và ngành năng lượng ở mức thấp. WSA dự báo lĩnh vực sản xuất xe ô tô của Hoa Kỳ sẽ phục hồi mạnh trong thời gian tới.
Tại EU, nhu cầu sử dụng thép trong năm 2021 và 2022 được WSA kỳ vọng sẽ ở mức tốt khi tất cả các lĩnh vực sử dụng nhiều thép sẽ phục hồi trở lại, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất ô tô và việc triển khai các dự án xây dựng. Tuy nhiên, WSA cảnh báo EU đang đối mặt với nhiều rủi ro kinh tế khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ ba đang diễn ra phức tạp tại nhiều quốc gia Châu Âu. Đối với Nhật Bản, nhu cầu sử dụng thép của nước này sẽ chỉ phục hồi ở mức thấp.
Nhu cầu sử dụng thép tại các quốc gia đang phát triển (ngoại trừ Trung Quốc) đã giảm 7,8% trong năm 2020. WSA dự báo nhu cầu sử dụng thép tại các nền kinh tế, gồm Ấn Độ, Trung Đông – Bắc Phi (MENA), Châu Mỹ Latin, ASEAN, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga sẽ tăng mạnh 10,2% trong năm nay và tăng 5,2% trong năm sau.
Ông Al Remeithi nhận định nhu cầu sủ dụng thép sẽ phục hồi vững chắc trở lại tại những nền kinh tế đang phát triển cũng như các nền kinh tế phát triển trong những năm tới nhờ nhu cầu bị dồn nén và các chương trình phục hồi kinh tế của các nước. Tuy nhiên, ông Al Remeithi nhận định sẽ phải mất vài năm để nhu cầu sử dụng thép tại hầu hết các nền kinh tế phát triển quay trở lại như lúc trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.