Trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, chỉ số đo lường giá Dầu ăn và Thực phẩm đã tăng 12% trong quý 1/2021 và tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 2 vừa qua, chỉ số này đã đạt mức cao nhất trong vòng 9 năm trở lại đây.
Trong đó, nhiều chỉ số thành phần đã ghi nhận mức tăng cao kỷ lục. Giá đậu nành – nguyên liệu sản xuất dầu đậu nành trong tháng 3/2021 đã tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng của khu vực Nam Mỹ suy giảm dưới các tác động của hiện tượng thời tiết La Nina.
Giá dầu cọ trong tháng 3 vừa qua cũng đã tăng trung bình 62% so với cùng kỳ năm trước do thời tiết xấu tại khu vực Đông Nam Á - khu vực cung cấp dầu cọ chính cho toàn cầu. Dầu cọ và dầu đậu nành hiện là hai loại dầu ăn thực vật được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới và sản lượng của hai loại dầu này chiếm hơn 60% tổng sản lượng dầu ăn toàn cầu.
Sản lượng dầu hạt cải và dầu hướng dương cũng giảm xuống trong giai đoạn vừa qua. Sự gia tăng nhu cầu về thức ăn chăn nuôi gia súc khi Trung Quốc bắt đầu khôi phục đàn heo trở lại sau dịch tả lợn Châu Phi đã làm giảm lượng hạt hướng dương và đậu nành cho việc sản xuất dầu ăn.
Ngân hàng Thế giới dự báo giá dầu cọ sẽ đạt mức trung bình 975 USD/tấn trong năm nay, cao hơn đáng kể so với mức dự báo 668 USD/tấn trong tháng 3 vừa qua của Chính phủ Indonesia, quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới. Trong khi đó, giá dầu đậu nành được dự báo sẽ đạt trung bình 1.025 USD/tấn trong năm nay, cao hơn nhiều so với mức trung bình 838 USD/tấn trong năm ngoái.
Tổng nguồn cung dầu ăn (bao gồm tổng lượng tồn trữ và sản lượng) của tám loại dầu ăn chính trên thế giới trong niên vụ 2020/2021 sẽ chỉ tăng khoảng 2,9 triệu tấn, thấp hơn mức tăng 3,4 triệu tấn của niên vụ 2019/2020 và mức tăng trung bình 6,6 triệu tấn của 20 năm trở lại đây.
Giá dầu đậu nành có thể giảm xuống trong năm sau khi sản lượng đậu nành tại Hoa Kỳ tăng lên. Đánh giá mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy diện tích canh tác đậu tương của nước này trong niên vụ tới sẽ tăng thêm khoảng 5,4%.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng tình trạng mất an ninh lương thực dưới các tác động của đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục hiện hữu trong năm nay cũng như năm 2022 và cảnh báo một loạt quốc gia đang đối mặt với nguy cơ ngày càng cao về việc xảy ra khủng hoảng an ninh lương thực.