Vào lúc 11h00 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 7/2022 tăng 0,43% lên 114,43 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng tăng 0,48% lên 110, 86 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 25/5, giá dầu thô Brent tăng 47 cents lên 114,03 USD/thùng; giá dầu thô WTI tăng 56 cents lên 110,33 USD/thùng.
Giá dầu thô đang được nâng đỡ bởi tình trạng căng thẳng nguồn cung và nhu cầu sử dụng dầu của các nhà máy lọc hoá dầu tại Hoa Kỳ tăng mạnh. Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng dầu thô tồn trữ của Hoa Kỳ đã giảm 1 triệu thùng trong tuần trước, lượng xăng tồn trữ của nước này cũng giảm nhẹ.
Trong khi đó, công suất hoạt động của các nhà máy lọc hoá dầu tại Hoa Kỳ đã đạt 93,2% - mức cao nhất kể từ tháng 12/2019. Các nhà máy lọc hoá dầu đang tăng cường hoạt động nhằm chuẩn bị cho mùa Hè – mùa cao điểm di chuyển tại Hoa Kỳ với nhu cầu sử dụng nhiên liệu đạt mức cao nhất trong năm. Đồng thời, các nhà máy lọc hoá dầu tại Hoa Kỳ cũng đang tăng cường đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế. Trong tuần trước, Hoa Kỳ đã xuất khẩu tới 6,2 triệu thùng sản phẩm chưng cất từ dầu mỏ.
Ông Gary Cunningham, giám đốc nghiên cứu thị trường tại hãng tư vấn thị trường năn g lượng Tradition Energy (Hoa Kỳ), cho biết mặc dù giá nhiên liệu tại Hoa Kỳ ở mức cao nhưng nhu cầu sử dụng nhiên liệu cho di chuyển của người tiêu dùng Hoa Kỳ không suy giảm.
Thị trường hiện vẫn đang đối mặt với tình trạng căng thẳng nguồn cung khi ngày càng nhiều đối tác hạn chế hoặc ngưng mua dầu thô từ Nga – quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới do lo ngại phương Tây siết chặt các biện pháp trừng phạt với Nga. Liên minh châu Âu (EU) hiện đang thảo luận phương án cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Nga trong thời gian tới.
Ngày 25/5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) ông Charles Michel cho biết EU kỳ vọng sẽ đạt được sự đồng thuận về việc ngưng nhập khẩu dầu từ Nga trước khi phiên họp đặc biệt của EC diễn ra vào ngày 30 và 31/5 tới đây. Hiện tại, một số quốc gia EU đã ngưng nhập khẩu dầu thô từ Nga nhưng cũng có những quốc gia như Hungary và Slovakia phản đối kế hoạch này do có nền kinh tế phụ thuộc mạnh vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Nếu kế hoạch này được thông qua thì nhu cầu đối với các nguồn dầu thô ngoài Nga sẽ tăng mạnh, đẩy giá năng lượng lên cao hơn nữa.
Tuy nhiên, giá dầu thô cũng đối mặt với rủi ro suy giảm nhu cầu sử dụng khi Trung Quốc vẫn đang áp dụng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Nhu cầu sử dụng nhiên liệu của nước này đã giảm đáng kể trong tháng 4 vừa qua khi hàng loạt thành phố lớn bị phong toả để kiểm soát dịch bệnh.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vừa mới siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bao gồm việc hạn chế di chuyển. Trong khi đó, Thượng Hải – trung tâm kinh tế lớn nhất Trung Quốc đang thận trọng hơn trong việc nới lỏng các biện pháp phong toả. Phần lớn các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh tại đây vẫn đóng cửa và chế độ làm việc từ xa được áp dụng.