Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent giao tương lai đạt 62,95 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai đạt 59,32 USD/thùng. Tính chung cả tuần giao dịch này, giá dầu thô Brent đã tăng 1,28% và dầu thô WTI cũng tăng 1,14% so với mức giá hồi đầu tuần.
Trong tuần này, giá dầu thô đã nhận được sự hỗ trợ lớn khi nhiều thông tin tích cực về nền kinh tế toàn cầu được công bố và tiến trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại Hoa Kỳ được đẩy nhanh.
Trong ngày 6/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nền kinh tế toàn cầu sẽ có hai năm tăng trưởng với tốc độ cao kỷ lục giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Cụ thể, tăng trưởng trong năm 2021 của nền kinh tế toàn cầu được IMF dự báo sẽ đạt 6%, cao hơn so với mức 5,5% được đưa ra hồi đầu năm nay. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất từng được ghi nhận kể từ những năm 1970. Trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ đạt 4,4%.
Bên cạnh đó, IMF nhận định tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra yếu hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính hồi năm 2008. Nhà kinh tế trưởng của IMF bà Gita Gopinath nhận định các nền kinh tế phát triển đang có rất ít "tàn dư sau đại dịch và ở Hoa Kỳ thậm chí là không có” và "sự phục hồi đa tốc độ đang diễn ra tại mọi khu vực, ở khắp các nhóm thu nhập”.
IMF dự báo Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm nay. Các dữ liệu mới nhất cho thấy Hoa Kỳ đã tiến hành tiêm chủng 179 triệu mũi vaccine ngừa Covid-19; trong đó, có 68,2 triệu người hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19 tương đương 20,8% tổng dân số nước này. Tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh cho phép Hoa Kỳ sẽ tái mở cửa nền kinh tế sớm hơn.
Giá dầu thô còn được hỗ trợ từ thông tin Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đề xuất gói phát triển cơ sở hạ tầng với quy mô hơn 2.000 tỷ USD nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19. Việc đồng USD suy giảm trong những phiên giao dịch cuối tuần qua cũng đã phần nào nâng đỡ giá dầu thô.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiên chung Châu Âu (Eurozone) trong tháng 3/2021 đã có mức tăng cao kỷ lục. Qua đó cho thấy hoạt động sản xuất chế tạo tại đây đã được mở rộng và thích ứng tốt với các biện pháp phong toả
Tuy nhiên, giá dầu thô chịu áp lực giảm lớn do thị trường lo ngại nguồn cung dầu thô sẽ tăng lên trong vài tuần tới đây khi liên minh OPEC+ bắt đầu giảm quy mô cắt giảm sản lượng khai thác. Theo đó, sản lượng dầu thô của liên minh OPEC+ sẽ tăng dần từ tháng 5 tới đây và đạt tổng khoảng 2 triệu thùng/ngày vào tháng 7/2021.
Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út đứng đầu và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga lãnh đạo, hiện đang nắm giữ hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Một số nhà đầu tư cũng lo ngại các rủi ro của đại dịch Covid-19 với tiến trình phục hồi kinh tế và sự phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô. Một số nền kinh tế lớn như Pháp, Đức vẫn phải áp đặt các biện pháp phong toả nhằm ngăn chặn đợt lây nhiễm dịch mới và tiến trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 diễn ra chậm hơn so với dự kiến. Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới, cũng đang ghi nhận số ca nhiễm mới Covid-19 cao kỷ lục.
Ông Stephen Innes, trưởng ban chiến lược thị trường toàn cầu tại hãng chứng khoán Axi, nhận định giá dầu thô trong thời gian tới sẽ dao động trong khoảng 60 USD – 70 USD/thùng khi giá dầu thô vẫn bị chi phối bởi nhiều thông tin trái chiều.