Chỉ số giá lương thực tăng tháng thứ 10 liên tiếp
Cụ thể, chỉ số giá lương thực của FAO trong tháng 3/2021 đạt trung bình 118,5 điểm, cao hơn 2,1% so với tháng 2/2021 và chạm mức cao nhất kể từ tháng 6/2014. Chỉ số giá lương thực của FAO đo lường theo dõi biến động giá hàng tháng của 5 loại thực phẩm chính trên thị trường quốc tế, gồm ngũ cốc, thịt, sữa, dầu thực vật và đường.
FAO cho biết nguyên nhân chính đẩy chỉ số giá lương thực tháng 3/2021 tăng cao chủ yếu do chỉ số giá dầu thực vật toàn cầu đã tăng tới 8% so với hồi tháng 2, chạm mức cao nhất trong gần 10 năm trở lại đây. Trong đó, giá các loại dầu đậu nành đã bật tăng mạnh khi nhu cầu sử dụng đậu tương để sản xuất nhiên liệu sinh học tăng cao.
Chỉ số giá sản phẩm sữa toàn cầu cũng tăng 3,9% trong tháng 3 vừa qua khi nguồn cung tại Châu Âu bị thắt chặt nhưng nhu cầu sử dụng lại tăng lên khi các hoạt động của khu vực thực phẩm và dịch vụ dần phục hồi. Giá sữa bột cũng bật tăng do nhu cầu nhập khẩu của khu vực Châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc, gia tăng cao nhưng sản lượng tại khu vực Châu Đại Dương lại giảm xuống. Đồng thời, việc thiếu hụt container vận chuyển hàng hoá tại khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ cũng khiến việc cung ứng các sản phẩm bơ sữa trở nên căng thẳng.
Chỉ số giá thịt toàn cầu cũng tăng 2,3% so với tháng trước do Trung Quốc tăng nhập khẩu và doanh số bán hàng ở Châu Âu cải thiện trước thềm lễ Phục sinh. Dữ liệu của FAO cho thấy giá thịt trâu, bò hiện vẫn ổn định nhưng giá thịt gia cầm giảm.
Trong khi đó, chỉ số giá ngũ cốc toàn cầu đã giảm 1,8% trong tháng 3 vừa qua. Tuy nhiên, mức giá hiện tại vẫn cao hơn đến 26,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá lúa mì xuất khẩu ghi nhận mức giảm nhiều nhất trong số các loại ngũ cốc được FAO theo dõi, phản ánh nguồn cung ở mức tốt và triển vọng sản lượng tích cực trong niên vụ 2021. Giá ngô và gạo cũng giảm xuống nhưng giá cao lương đã tăng lên trong tháng trước.
Mặc dù chỉ số giá đường đã giảm 4% trong tháng 3 nhưng mức giá hiện vẫn cao hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá đường giảm chủ yếu do triển vọng Ấn Độ sẽ gia tăng xuất khẩu, giúp nguồn cung trên thị trường tăng lên.
Dự kiến sản lượng các loại ngũ cốc
FAO dự kiến sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2021 sẽ tăng năm thứ ba liên tiếp, đạt 785 triệu tấn, tăng 1,4% so với năm 2020. Đồng thời, cơ quan này nâng mức dự báo sơ bộ về sản lượng lúa mì toàn cầu do nhận định điều kiện nông vụ ở một số quốc gia được cải thiện.
Sản lượng ngô trên toàn cầu được nhận định sẽ cao hơn mức trung bình trong năm nay khi Brazil được dự báo sẽ có vụ mùa thu hoạch đạt kỷ lục và vụ mùa tại Nam Phi cũng chạm mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Trong niên vụ 2020/2021, mức tiêu thụ ngũ cốc toàn cầu được FAO dự báo sẽ đạt 777 triệu tấn, cao hơn 2,4% so với niên vụ trước. Nguyên nhân chủ yếu do dự báo nhu cầu sử dụng lúa mì và lúa mạch tại Trung Quốc sẽ tăng cao trở lại khi ngành chăn nuôi nước này phục hồi sau đợt dịch tả lợn Châu Phi.
Dự trữ ngũ cốc thế giới cuối năm nay dự kiến giảm 1,7% so với mức đầu vụ, còn 808 triệu tấn. Kết hợp với các dự báo về tiêu thụ, tỷ lệ dự trữ ngũ cốc toàn cầu cho niên vụ 2020/2021 sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm ở mức 28,4%, FAO cho biết.
FAO cũng nâng dự báo về giao dịch thương mại ngũ cốc thế giới trong niên vụ này lên 466 triệu tấn, tăng 5,8% so với niên vụ trước. Đối với mặt hàng gạo, tổ chức này dự báo thương mại gạo toàn cầu tăng 6%.