Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent tăng 0,9% lên 76,95 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tăng 1,2% lên 72,67 USD/thùng. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đã tăng 1,7% và giá dầu thô WTI tăng 1,6%.
Đà tăng của thị trường trong phiên giao dịch cuối tuần chủ yếu đến từ thông tin đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà tại Hoa Kỳ đã gần đạt được thoả thuận về trần nợ công sau thời gian dài bế tắc. Cụ thể, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vừa lên tiếng khẳng định Hoa Kỳ sẽ không rơi vào tình trạng vỡ nợ khi hạn chót cho thoả thuận nâng trần nợ công là ngày 1/6 đang đến rất gần.
Đồng thời, ông Joe Biden nhấn mạnh cuộc thảo luận trực tuyến giữa ông với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trong ngày 25/5 (theo giờ địa phương) đã diễn ra “rất hiệu quả”. Giới quan sát cũng đánh giá những khác biệt giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà đang dần được thu hẹp trong cuộc đàm phán gần nhất.
Tuy nhiên, giới đầu tư hiện tiếp tục giữ thái độ thận trọng khi tiến trình đàm phán trần nợ công của Hoa Kỳ chưa đạt được kết quả cuối cùng. Đồng thời, thị trường cũng đang phân tích những tín hiệu trái ngược nhau từ Nga và Saudi Arabia về chính sách khai thác dầu thô của liên minh OPEC+ khi liên minh này sẽ nhóm họp vào ngày 4/6 tới đây. Nga và Saudi Arabia là hai quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất liên minh OPEC+.
Đầu tuần này, Saudi Arabia cho biết những nhà đầu tư đang đặt cược vào việc giá dầu thô còn tiếp tục giảm sẽ phải “thất vọng”. Một bộ phận giới đầu tư cho rằng điều này hàm ý liên minh OPEC+ sẽ giảm thêm sản lượng khai thác để nâng đỡ giá dầu thô. Theo đánh giá gần nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Saudi Arabia cần giá dầu thô ở mức 80,9 USD/thùng để cân bằng ngân sách trong năm nay.
Tuy nhiên, đến cuối tuần, giới lãnh đạo Nga nhận định giá các mặt hàng năng lượng hiện nay đang tiệm cận mức “phù hợp về mặt kinh tế” và kỳ vọng liên minh OPEC+ sẽ không đưa ra chính sách khai thác mới.
Ngoài ra, giới đầu tư còn đang thận trọng quan sát động thái của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đối với vấn đề có tiếp tục nâng lãi suất nữa hay không khi cơ quan này sẽ nhóm họp vào giữa tháng sau.
Dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PEC) tháng 4/2023 của Hoa Kỳ đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 4,2% ghi nhận trong tháng 3/2023. Đây là lần đầu tiên chỉ số này tăng lên kể từ đầu năm đến nay, đảo ngược đà giảm trong những tháng gần đây. Chỉ số PCE là một trong những thước đo lạm phát được FED sử dụng để quyết định chính sách tiền tệ.
Một số nhà đầu tư bắt đầu lo ngại FED có thể tiếp tục nâng lãi suất trong phiên họp tháng 6 nhằm triệt để loại bỏ rủi ro lạm phát cho dù lãi suất cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ.
Trong thời gian gần đây, một vài quan chức FED đề xuất có thể tạm ngừng tăng lãi suất trong tháng 6 nhằm có thời gian đánh giá chính xác hơn tác động của việc siết chặt chinh sách tiền tệ đến vấn đề lạm phát và toàn bộ nền kinh tế Hoa Kỳ. Tuy nhiên, giới chức FED cùng chung quan điểm rằng quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ chưa dừng hẳn.