Chốt phiên giao dịch cuối tuần này ngày 6/5, giá dầu thô Brent giao tháng 7/2022 tăng 1,34% lên 112,39 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 6/2022 cũng tăng 1,39% lên 109,77 USD/thùng. Đây là các mức giá đóng cửa cao nhất trong 6 tuần trở lại đây. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô thế giới đã tăng gần 4,5%, xác lập tuần tăng giá thứ hai liên tiếp.
Giá dầu thô được nâng đỡ bởi tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường tiếp tục kéo dài sau khi liên minh OPEC+ chỉ nâng không đáng kể sản lượng khai thác trong tháng 6/2022 bất chấp sức ép từ các nước phương Tây. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga, bao gồm cả việc cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Nga vào cuối năm nay. Nếu các biện pháp trừng phạt này được thông qua thì EU sẽ phải tăng cường tìm kiếm các nguồn cung dầu thô ngoài Nga. Điều này có thể đẩy giá dầu thô tiếp tục tăng trong tương lai.
Liên minh OPEC+ cũng phát đi tín hiệu cho thấy vấn đề đứt gãy nguồn cung từ Nga là vấn đề riêng của phương Tây và nằm ngoài tầm kiểm soát của OPEC+ cũng như không xuất phát từ yếu tố nguồn cung dầu của liên minh khai thác dầu thô này. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% tổng nguồn cung dầu thô trên toàn cầu.
Ông Ed Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ), cho biết giá dầu thô đang hướng đến những mức giá cao mới khi tình trạng căng thẳng nguồn cung vẫn ở mức nghiêm trọng, bất kỳ sự giảm giá nào của dầu thô cũng chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô đã tăng hơn 40%, đặc biệt là sau khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng nổ hồi cuối tháng 2/2022.
Trong ngày 5/5, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ cho biết sẽ mở thầu mua 60 triệu thùng dầu để bổ sung cho Kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) của nước này. Quá trình đấu thầu sẽ diễn ra trong mùa Thu năm nay nhưng việc chuyển giao dầu thực tế sẽ diễn ra trong khung thời gian chưa được xác định.
Cuối tháng 3/2022, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tuyên bố tung 180 triệu thùng dầu thô từ kho SPR ra thị trường trong vòng 6 tháng để phần nào kìm hãm đà tăng nóng của giá dầu thô sau khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bùng nổ. Trước đó, Hoa Kỳ cũng tuyên bố đã bán ra thị trường 50 triệu thùng dầu thô từ kho SPR vào tháng 11/2022 khi giá dầu thô vọt tăng mạnh.
Tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) cho rằng hành động can thiệp của Hoa Kỳ sẽ giúp thị trường dầu mỏ trở nên cân bằng hơn trong năm 2022 nhưng sẽ không giúp giải quyết triệt để nguyên nhân sâu xa khiến thị trường thiếu hụt nguồn cung trong những năm tiếp theo và Hoa Kỳ không thể liên tục tung dầu thô dự trữ từ kho chiến lược ra thị trường.
Goldman Sachs cũng đặt ra bài toán việc giá dầu thô hạ nhiệt trọng năm 2022 sẽ kích thích nhu cầu sử dụng tăng lên nhưng sẽ kìm hãm sự mở rộng trong hoạt động khai thác dầu mỏ, đặc biệt là đối với dầu đá phiến – loại hình khai thác vốn có chi phí cao và cần giá dầu thô giữ ở mức đủ cao để đảm bảo sinh lời. Điều này có thể khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong năm 2023 trở nên trầm trọng hơn. Trong khi đó, Hoa Kỳ sẽ cần phải tái bổ sung lượng lớn dầu thô cho kho dự trữ chiến lược sau 2 năm xả bán.
Thị trường hiện cũng đang quan sát triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu của Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn phong toả hoàn toàn hoặc một phần nhiều thành phố lớn, bao gồm Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến nhằm kiểm soát đợt lây nhiễm Covid-19 mới. Tập đoàn tài chính S&P Global Inc. (Hoa Kỳ) ước tính nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc đã giảm 1,5 triệu thùng/ngày vì các biện pháp phong toả.
Tuy nhiên, S&P Global Inc. dự báo nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc sẽ bật tăng mạnh trở lại ngay sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phong toả và điều này sẽ tác động đến giá tất cả các loại hàng hoá.