Thông báo mới nhất của Bộ Kinh tế Đức cho thấy nguồn cung các mặt hàng năng lượng từ Nga hiện chỉ chiếm 12% tổng lượng dầu thô, 35% tổng lượng khí đốt và 8% tổng lượng than đá được Đức nhập khẩu. Trước khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine nổ ra, nền kinh tế Đức phụ thuộc mạnh vào nguồn cung năng lượng từ Nga với 55% nguồn cung khí đốt và dầu thô, 45% nguồn cung than.
Đức, nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), hiện đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga trong bối cảnh nhiều quốc gia phương Tây kêu gọi nước này ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga khi cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. Các mặt hàng năng lượng được xem là nguồn thu chính đối với nền kinh tế Nga. Trong đó, mỗi ngày, EU đang phải nhập lượng dầu mỏ và khí đốt trị giá tới 850 triệu USD từ Nga.
Trong ngày 2/5, Bộ trưởng Kinh tế Đức Rober Habeck cho biết Đức đã sẵn sàng cho việc cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga ngay lập tức cũng như tiến tới không phụ thuộc vào nguồn cung dầu từ Nga. Theo ông Robert Habeck, Đức có thể trở nên ít phụ thuộc năng lượng hơn vào Nga nếu người dân Đức giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng hoặc xe đạp để thay thế các phương tiện giao thông cá nhân, thậm chí các doanh nghiệp có thể cho phép nhân viên làm việc tại nhà từ 1 – 2 ngày trên cơ sở tự nguyện để tiết kiệm năng lượng.
“Tất cả các biện pháp mà chúng tôi thực hiện sẽ gây tác động to lớn, khiến nền kinh tế và người tiêu dùng đều cảm nhận được sự ảnh hưởng nhưng nước Đức cần phải làm như vậy”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhấn mạnh.
Các động thái của Đức được đưa ra trong bối cảnh EU đang thảo luận việc thông qua việc cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga. Hồi đầu tháng 4, EU đã quyết định cấm nhập khẩu than đá của Nga từ tháng 8 tới đây.
Hãng năng lượng Uniper SE (Đức) cho biết Chính phủ Đức đang thuê lại một hệ thống FSRU - hệ thống kho chứa nổi khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) gồm hai kho chứa nổi và một cơ sở chiết xuất khí đốt nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào khí đốt từ Nga. Theo Uniper SE, hệ thống FSRU này có tổng công suất xử lý lên tới 7,5 tỷ m3 khí LNG/năm, tương đương khoảng 30% lượng khí đốt mà Đức nhập khẩu từ Nga hàng năm. Mỗi kho chứa nổi trong hệ thống FSRU có khả năng tích trữ 174.000 m3 khí. Uniper SE cũng cho biết hệ thống FSRU này sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2023.
Trước đó, tập đoàn năng lượng RWE (Đức) cho biết Chính phủ Đức đã thuê lại hai hệ thống FSRU và dự kiến hai hệ thống này sẽ đi vào hoạt động kể từ mùa đông năm nay với mục tiêu cung cấp từ 10 – 14 tỷ m3 khí LNG/năm. Hồi tháng 3, Đức đã ký được thỏa thuận mua khí LNG với Qatar và yêu cầu Hoa Kỳ đảm bảo một phần nguồn cung khí LNG, với hy vọng có thể phần nào giảm sự phụ thuộc quá lớn vào khí đốt Nga.