Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 31/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 7/2022 đã tăng vọt lên mức 123,12 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 6/2022 cũng tăng mạnh lên mức 118,60 USD/thùng.
Giá dầu thô bật tăng mạnh sau khi Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) ông Charles Michel cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đạt đồng thuận về việc cấm nhập khẩu hơn 75% lượng dầu thô từ Nga trong ngày 30/5. Hãng tin CNN (Hoa Kỳ) dẫn lời một quan chức EU cho biết việc cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga hiện sẽ nhắm vào các lô hàng được vận chuyển qua đường biển vốn chiếm đến 2/3 tổng lượng dầu thô được EU nhập khẩu từ Nga. Như vậy, hoạt động nhập khẩu dầu khí của Nga qua các đường ống dẫn dầu vẫn chưa bị ảnh hưởng.
Điều này sẽ cho phép một số quốc gia phụ thuộc mạnh vào dầu thô của Nga qua các đường ống dẫn dầu như Hungary, Cộng hoà Séc và Slovakia vẫn tiếp tục được nhập khẩu dầu. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết cách tiếp cận hiện nay của EU về vấn đề cấm nhập khẩu dầu từ Nga là “cách tiếp cận tốt”. Trước đó, Hungary đã bỏ phiếu chống lại đề xuất cấm nhập khẩu dầu từ Nga của EU và yêu cầu EU phải hỗ trợ khoản tài chính lên đến 800 triệu USD để nước này đảm bảo an ninh năng lượng khi từ bỏ hoàn toàn nguồn cung dầu thô từ Nga.
Hiện tại, EU đang nhập khẩu khoảng 2,4 triệu thùng dầu/ngày từ Nga. Ngân hàng đầu tư Bank of America (BofA, Hoa Kỳ) đã nhận định giá dầu thô Brent có thể nhanh chóng vượt ngưỡng 150 USD/thùng nếu như nguồn cung dầu thô xuất khẩu của Nga ra thị trường quốc tế bị suy giảm vì các biện pháp cấm vận của phương Tây.
Giới quan sát nhận định việc EU giảm mạnh phụ thuộc vào nguồn cung dầu thô từ Nga sẽ khiến nhu cầu của EU đối với các nguồn cung dầu thô khác ngoài Nga tăng vọt và đẩy giá dầu thô tăng lên. Dữ liệu của Cơ quan Thống kê EU (Eurostat) cho thấy dầu thô của Nga hiện chiếm tới 27% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của EU trong năm 2021. Giá năng lượng tăng cao sẽ gia tăng áp lực lạm phát tại nhiều quốc gia châu Âu.
Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vào ngày 23/5, ông Amin Nasser, Giám đốc điều hành tập đoàn Saudi Aramco, cảnh báo công suất khai thác dầu dự phòng của ngành dầu khí trên toàn cầu chỉ còn dưới 2%. Sự sụt giảm công suất khai thác dầu dự phòng cho thấy thị trường dầu mỏ toàn cầu không còn bộ đỡ “đủ dày” để chống đỡ các rủi ro về nguồn cung.