Vào lúc 9h00 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 7/2022 tiếp tục giảm 0,17% xuống 112,05 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm tới 0,62% xuống 112 USD/thùng. Chốt phiên giao dịch ngày 19/5, giá dầu thô Brent giảm 2% xuống mức 111,93 USD/thùng; giá dầu thô WTI giảm 1,6% xuống còn 112,40 USD/thùng.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm sau khi chạm mức cao nhất trong vòng 7 tuần vừa qua chủ yếu do Hoa Kỳ đang cân nhắc nới lỏng một số biện pháp trừng phạt nhắm vào Venezuela, mở đường cho việc nước này tăng cường xuất khẩu dầu thô ra thị trường quốc tế.
Hãng tin Reuters dẫn lời các nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ cho phép tập đoàn năng lượng Hoa Kỳ Chevron Corp đàm phán với chính quyền Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro sớm nhất vào ngày 24/5 tới đây về việc gia hạn giấy phép hoạt động tại Venezuela. Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc có cho phép Chevron tiếp tục hoạt động tại Venezuela hay không.
Giới quan sát nhận định nếu tập đoàn Chevron tiếp tục được cho phép hoạt động tại Venezuela thì sẽ mở ra khả năng Hoa Kỳ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhắm vào Venezuela để tiếp cận nguồn cung dầu thô từ nước này trong bối cảnh giá nhiên liệu tại Hoa Kỳ đang chạm mức cao kỷ lục.
Giá dầu thô còn chịu áp giảm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell nhận định tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ có thể suy yếu khi FED siết chặt các chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ông Jerome Powell cũng nhấn mạnh quyết tâm kiểm soát lạm phát và ủng hộ việc tăng lãi suất cơ bản cho đến khi lạm phát tại Hoa Kỳ giảm về ngưỡng “lành mạnh”. Một số chuyên gia phân tích cảnh báo nếu FED không quyết liệt để chống lạm phát ngay từ bây giờ, lạm phát tại Hoa Kỳ sẽ kéo dài và FED sẽ phải nâng lãi suất trong thời gian dài hơn, từ đó gây ra những tổn thất lớn hơn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trước đó, trong lần trả lời phỏng vấn với chuyên trang tin tài chính Marketwatch (Hoa Kỳ), ông Jerome Powell nhận định việc đưa nền kinh tế Hoa Kỳ “hạ cánh mềm” không phải là việc dễ thực hiện ở thời điểm này.
Giá dầu thô thế giới đã tăng mạnh trong thời gian gần đây trong bối cảnh nguồn cung dầu thô từ Nga ra thị trường suy giảm dưới tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Sản lượng khai thác dầu thô của Nga đã giảm tới 9% trong tháng 4 vừa qua.
Hiện tại, Liên minh châu Âu đang thảo luận về khả năng cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Nga. Hãng tin Reuters cho biết các ngoại trưởng của EU hiện vẫn chưa thuyết phục được Hungary đồng ý với biện pháp cấm vận trên. Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết tổng chi phí để Hungary từ bỏ nguồn cung năng lượng lên tới 19 tỷ EUR và đây là gánh nặng tài chính đối với nước này. EU hiện đang đề xuất một gói tài chính hỗ trợ cho Hungary để nước này giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.