Cụ thể, vào lúc 14h30 chiều nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 6/2022 tăng 0,3% lên 112,02 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, đã có lúc giá dầu thô Brent tăng vọt lên mức 113,80 USD/thùng – mức cao nhất kể từ ngày 30/3 trở lại đây. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2022 cũng tăng 0,25% lên 107,21 USD/thùng.
Tính chung cả tuần giao dịch trước, giá dầu thô thế giới đã tăng hơn 2,5% sau khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu đang cân nhắc cấm vận dầu mỏ trong vòng trừng phạt kế tiếp lên Nga. Liên minh châu Âu hiện đang tìm cách gia tăng áp lực lên phía Nga trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định EU sẽ chỉ có thể từ từ giảm nhập khẩu dầu thô từ Nga chứ không thể ngưng việc nhập khẩu đột ngột. Đặc biệt, Đức – nền kinh tế lớn nhất EU đã cho biết nước này không có khả năng giảm nhập khẩu dầu thô từ Nga. Các biện pháp trừng phạt hiện nay của EU nhắm vào nền kinh tế Nga hiện là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá các mặt hàng năng lượng trên toàn cầu tăng vọt.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nguồn cung dầu thô từ Nga ra thị trường quốc tế có thể sẽ giảm tới 3 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5 tới đây dưới tác động của các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga. Hãng tin Interfax của Nga cho biết sản lượng khai thác dầu thô của Nga trong nửa đầu tháng 4/22022 đã giảm 7,5% so với cùng kỳ tháng 3/2022.
Ông Chiyoki Chen, trưởng bộ phận phân tích của hãng môi giới giao dịch hàng hoá phái sinh Sunward Trading (Nhật Bản), nhận định giá dầu thô thế giới sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới khi rủi ro đứt gãy nguồn cung dầu từ Nga dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine ngày càng lớn. Trong khi đó, các quốc gia phía Bắc Bán cầu như Hoa Kỳ và châu Âu đang chuẩn bị bước vào mùa hè – mùa cao điểm tiêu thụ nhiên liệu.
Đồng quan điểm như trên, ông Kazuhiko Saito, trưởng bộ phận phân tích của hãng chứng khoán Fujitomi Securities (Nhật Bản), cho biết giá dầu thô nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng tăng giá trong tuần này khi lượng khai thác dầu thô bổ sung từ các nước sản xuất dầu lớn không đủ bù đắp sự sụt giảm nguồn cung từ Nga.
Dữ liệu mới nhất cho thấy sản lượng khai thác trong tháng 3/2022 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chỉ tăng không đáng kể 57.000 thùng/ngày lên mức 28,56 triệu thùng/ngày. Mức tăng này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu tăng sản lượng khai thác thêm 300.000 thùng/ngày mà khối này đề ra.
Thị trường cũng đang tập trung theo dõi rủi ro đứt gãy nguồn cung dầu từ Libya trong ngắn hạn sau khi các cuộc biểu tình đã khiến giếng dầu El Feel và cảng xuất dầu Zueitina của Libya phải ngưng hoạt động.