Cụ thể, vào lúc 9h00 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 6/2022 tăng nhẹ 0,63% lên 105,28 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2022 cũng tăng 0,77% lên 101,37 USD/thùng.
Sau chuỗi phiên giao dịch biến động mạnh, giá dầu thô bắt đầu xác lập xu hướng tăng giá trở lại khi thị trường trở nên lo ngại hơn về sự thiếu hụt nguồn cung dầu thô từ Nga trong bối cảnh đang có các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có thể nới lỏng các biện pháp phong toả, khiến nhu cầu sử dụng nhiên liệu tăng trở lại.
Mặc dù số ca nhiễm mới Covid-19 còn ở mức cao nhưng Thượng Hải, thành phố đông dân nhất Trung Quốc với hơn 26 triệu dân, đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả tại một số khu vực. Thượng Hải là trung tâm kinh tế lớn nhất Trung Quốc và chiếm tới 4% tổng nhu cầu sử dụng nhiên liệu của nước này.
Trước đó, giới đầu tư toàn cầu đã lo ngại việc Trung Quốc tái phong toả nhiều thành phố lớn, bao gồm Thượng Hải nhằm kiểm soát làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới do biến chủng Omicron gây ra sẽ làm giảm nhu cầu sử dụng dầu thô của nước này. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Giá dầu thô còn được nâng đỡ bởi việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) giảm mạnh dự báo sản lượng khai thác dầu thô của Nga trong năm 2022 do tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm đến nền kinh tế Nga. OPEC cũng dự báo sản lượng khai thác dầu thô của Hoa Kỳ trong năm nay chỉ tăng nhẹ thêm 0,26 triệu thùng/ngày.
Trong ngày 11/4, Tổng Thư ký OPEC ông Mohammad Barkindo đã cảnh báo giới chức phương Tây về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga có thể khiến nguồn cung dầu thô từ nước này giảm đến 7 triệu thùng/ngày và “gần như không có nguồn cung nào khác thay thế cho sự sụt giảm này”.
Ông Tom Kloza, trưởng bộ phận phân tích năng lượng toàn cầu của hãng Oil Price Information Service (Hoa Kỳ) nhận định việc thị trường mất đi 7 triệu thùng dầu/ngày từ Nga là điều “tồi tệ nhất” và sẽ khiến giá dầu thô tăng sốc. Trong tháng 4/2022, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới chỉ nhận định thị trường sẽ mất khoảng 3 triệu thùng/ngày từ Nga.
Theo ông Tom Kloza tình hình thị trường hiện nay tương đối giống với cuộc khủng hoảng giá dầu thô năm 2007 – 2008 khi giá dầu thô Brent vượt ngưỡng 140 USD/thùng.