Giá dầu thô WTI tiệm cận mức cao nhất trong vòng 3 tuần

Trong ngày 22/11, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đã tăng lên gần mức cao nhất trong vòng 3 tuần sau khi số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong vòng gần 2 tháng. T

Giá dầu thô thế giới (11 - 21/11)

Giá dầu thô WTI đã biến động nhẹ, hướng đến mức tăng theo tuần đầu tiên trong vòng 7 tuần qua. Thị trường dầu thô đã nhận được thông tin tích cực khi số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ trong tuần trước đã giảm 21.000 đơn xuống còn 323.000 đơn – theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ, mức thấp nhất kể từ ngày 28/9/2013. Con số này thấp hơn mức 335.000 đơn theo dự báo của giới chuyên gia tham gia khảo sát của hãng tin Bloomberg.

Vào lúc 11h36’ giờ Sydney (7h36’ cùng ngày 22/11 giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI giao tháng 1/2014 trên sàn giao dịch điện tử tại Sở giao dịch thương mại New York (NYMEX) đã giảm 23 cents, xuống mức 95,21 USD/thùng. Trong ngày 21/11, giá dầu thô WTI đã tăng 1,59 USD đóng cửa tại mức 95,44 USD/thùng – mức giá đóng cửa cao nhất kể từ ngày 31/10/2013. Giá dầu thô WTI đang hướng đến mức tăng 1,5% trong tuần này (18 – 22/11).

Giá dầu thô Brent giao tháng 1/2014 trên Sàn giao dịch ICE Futures Europe tại London đã tăng 2,02 USD tương đương 1,9% lên mức 110,08 USD/thùng. Mức chênh lệch giá giữa dầu thô Brent với dầu thô WTI đạt 14,64 USD/thùng.

Iran

Đối ngược lại với thông tin tích cực từ thị trường lao động Mỹ, theo một thông báo của EU đưa ra vào ngày 21/11, cuộc đàm phán giữa nhóm P5 + 1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và Đức) với Iran đã không đạt được bước tiến nào trong việc giải quyết tranh cãi kéo dài trong 10 năm qua về chương trình hạt nhân của Iran.

Vào năm 2011, Iran được đánh giá là quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), lượng dầu được các quốc gia nhập khẩu từ Iran trong tháng 10/2013 đã giảm mạnh xuống chỉ còn 715.000 thùng/ngày, giảm 45% so với hồi tháng 9/2013 và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2012. Nguyên nhân, các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran trong bối cảnh lệnh trừng phạt của Phương Tây đang nhắm vào chương trình hạt nhân của Iran.

Theo lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu từ năm 2012, các quốc gia nhập khẩu dầu từ Iran phải hạn chế lượng dầu mua vào hoặc sẽ phải đối mặt với nguy cơ các ngân hàng của nước này bị loại khỏi hệ thống tài chính Mỹ. Sáu tháng sau đó, hầu hết các tàu chở dầu trên thế giới đã bị cấm vận chuyển dầu cho Iran khi các quy định cấm vận của EU có hiệu lực do các tàu chở dầu được bảo hiểm theo luật pháp của EU.

IEA cho biết, hiện Iran đang cố gắng bán nhiều dầu thô hơn cho Ấn Độ bằng việc đề nghị vận chuyển dầu miễn phí, tương đương với việc giảm 1 USD/thùng.