Chốt phiên giao dịch ngày 16/4, giá dầu thô Brent đã tăng 13 cents/thùng tương ứng 0,5% lên mức 27,82 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) được giữ không đổi tại mức 19,87 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 2/2002. Đây là phiên giao dịch thứ hai liên tiếp giá dầu thô WTI rơi xuống mức thấp như trên.
Giá dầu thô WTI chịu áp lực giảm mạnh sau khi dữ liệu chính thức cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước tiếp tục tăng mạnh 19,2 triệu thùng. Trong tuần trước, lượng tồn trữ dầu thô của nước này cũng đã tăng thêm 15 triệu thùng. Qua đó phản ánh nhu cầu sử dụng dầu thô tại Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã sụt giảm mạnh trong bối cảnh nước này áp dụng các biện pháp cách ly xã hội để ngăn ngừa sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Giới phân tích cảnh báo nếu như mức tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ tiếp tục tăng thêm ở mức 15 triệu thùng/tuần thì các kho chứa dầu thô tại Hoa Kỳ sẽ bị lấp đầy chỉ trong vòng 8 tuần.
Giá dầu thô tiếp tục sụt giảm mạnh bất chấp nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu thô cao nhất lịch sử của các nước sản xuất dầu thô lớn nhất trên thế giới. Trong đầu tuần này, liên minh OPEC+ đã đạt thoả thuận cắt giảm lớn nhất trong lịch sử, với mức cắt giảm lên tới 9,7 triệu thùng/ngày tương đương gần 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Ả-rập Xê-út, nước lãnh đạo liên minh OPEC+, cho biết nước này cùng với Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) và Kuwait tình nguyện cắt giảm sản lượng mạnh hơn, đưa tổng mức cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ có thể lên tới 12,5 triệu thùng/ngày.
Các quốc gia khai thác dầu thô lớn khác không thuộc liên minh OPEC+ như Hoa Kỳ và Canada cho biết sản lượng khai thác tại đây cũng đã giảm xuống tự nhiên khi giá dầu thô sụt giảm mạnh. Tổng mức sụt giảm sản lượng khai thác dầu toàn cầu lần này ước đạt 19,5 triệu thùng/ngày tương đương 20% tổng nguồn cung.
Một số chuyên gia cảnh báo nỗ lực đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác của các nước có thể đã quá muộn trong bối cảnh nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu có thể giảm đến 30 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2020. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư hiện kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu sẽ dần tăng trở lại khi một số quốc gia Châu Âu bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong toả ngăn ngừa đại dịch Covid-19.
Ông John Kilduff, cộng sự tại quỹ phòng hộ Again Capital LLC, nhận định “Việc một số quốc gia Châu Âu bắt đầu mở cửa trở lại sẽ giúp nâng đỡ giá dầu thô Brent”. Theo báo cáo hàng tháng mới nhất của OPEC, nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu sẽ giảm trung bình 6,9 triệu thùng/ngày tương ứng 6,9% trong năm 2020.
Ả-rập Xê-út và Nga cho biết sẽ cùng tiếp tục giám sát diễn biến thị trường dầu mỏ và sẵn sàng có hành động can thiệp thêm trong trường hợp cần thiết. Tại Nga, các doanh nghiệp năng lượng nước này đã bắt đầu giảm mạnh lượng dầu thô xuất khẩu trong tháng 5/2020.