Chốt phiên giao dịch ngày 15/4, giá dầu thô Brent giao tương lai giảm 1,91 USD/thùng tương ứng 6,45% xuống còn 27,69 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) cũng giảm 24 cents/thùng tương ứng 1,19% xuống còn 19,87 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ tháng 2/2002.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh sau khi Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) mặc dù các hãng khai thác dầu thô tại Hoa Kỳ đã giảm công suất khai thác xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008 nhưng lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước vẫn tăng mạnh thêm 19 triệu thùng. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu đã giảm mạnh trong thời gian gần đây; Hoa Kỳ hiện là quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới.
Giới phân tích cảnh báo nếu như mức tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ tiếp tục tăng ở mức khoảng 15 triệu thùng/tuần thì các kho chứa dầu của nước này sẽ bị lấp đầy chỉ trong vòng 8 tuần nữa. Giá dầu thô trên thị trường hàng hoá vật chất hiện đã giảm mạnh, thấp hơn nhiều so với giá trên thị trường tương lai do nhiều khu vực khai thác tại Hoa Kỳ không còn chỗ chứa dầu thô.
Trong ngày 14/4, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong tháng 4/2020 sẽ giảm 29 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm 2019, chạm mức thấp nhất trong vòng 25 năm trở lại đây. IEA cũng cho biết những nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác của các quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới trong những ngày qua sẽ không đủ để bù đắp sự sụt giảm nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong tương lai gần.
Vào đầu tuần này, liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh đã đạt thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác lớn nhất trong lịch sử, giảm 9,7 triệu thùng/ngày tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. Bên cạnh đó, sản lượng khai thác của một số quốc gia khai thác dầu thô lớn ngoài liên minh OPEC+ như Hoa Kỳ và Canada cũng giảm xuống khi các hãng khai thác thu hẹp quy mô hoạt động.
Giới phân tích ước tính, tổng mức cắt giảm sản lượng khai thác của các quốc gia lần nay có thể đạt 19,5 triệu thùng tương đương 20% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu. IEA cho biết một số quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc đã đề nghị hoặc đang xem xét với IEA về việc mua dự trữ dầu thô nhằm hỗ trợ giảm tình trạng dư cùng dầu thô.