Giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) đã tăng 0,3% lên mức 5.871 USD/tấn, đánh dấu phiên tăng giá thứ 2 liên tiếp. Giá đồng theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) cũng tăng 0,5% lên mức 47.130 NDT (6.695,65 USD)/tấn.
Giá đồng tăng trong bối cảnh các số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang tăng trưởng tốt. Cụ thể, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 11/2019 đạt 51,9 điểm, tăng so với mức 50,9 điểm của tháng 10/2019 và chạm mốc cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Chỉ số PMI tăng cao hơn mức 50 điểm cho thấy các hoạt động sản xuất đã được mở rộng.
Bên cạnh đó, thị trường vẫn tập trung theo dõi sát diễn biến thỏa thuận thương mại sơ bộ Hoa Kỳ - Trung Quốc. Một quan chức cấp cao của Chính phủ Hoa Kỳ cho biết thỏa thuận thương mại sơ bộ có thể vẫn được ký kết vào cuối năm nay trong bối cảnh Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều mong muốn đạt được một thỏa thuận.
Trong tuần trước, nhiều thông tin cho thấy việc hoàn tất thỏa thuận thương mại sơ bộ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có khả năng bị trì hoãn đến năm 2020. Chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc kéo dài đã gây ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế của hai nước cũng như làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giảm nhu cầu sử dụng các kim loại công nghiệp. Trong đó, Trung Quốc – quốc gia sử dụng kim loại nhiều nhất thế giới – đang đối mặt với nhiều thách thức tăng trưởng kinh tế.
Trên sàn LME, giá nhôm đã tăng 0,2% lên 1.743 USD/tấn, giá nickel tăng 0,2% lên 14.665 USD/tấn, giá kẽm tăng 0,7% lên 2.322 USD/tấn và giá chì tăng 0,4% lên 1.974,5 USD/tấn. Trên sàn SHFE, giá nhôm tăng 0,1% lên 13.850 NDT/tấn, giá nickel tăng 0,8% lên 115.080 NDT/tấn, giá kẽm tăng 0,1% lên 18.085 NDT/tấn và giá chì tăng 0,3% lên 15.560 NDT/tấn.
Một số tin ảnh hưởng đến diễn biến thị trường kim loại, gồm Liên minh Châu Âu (EU) khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Indonesia cấm xuất khẩu quặng nickel thô và Trung Quốc giảm nhập khẩu kim loại phế liệu.
Cụ thể, trong ngày 22/11, iên minh Châu Âu (EU) khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Indonesia cấm xuất khẩu quặng nickel thô và một số nguyên liệu thô khác với cáo buộc Indonesia muốn thu lợi cho ngành công nghiệp luyện thép và thép không gỉ của nước này.
Số liệu mới nhất của Cơ quan hải quan Trung Quốc cho thấy, trong tháng 10/2019, chỉ có 160.000 tấn kim loại phế liệu được nhập khẩu vào Trung Quốc, giảm 42,9% so với tháng 9/2019.