Các doanh nghiệp mía đường có nguồn mía đường trong nước, chẳng hạn như Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS – sàn UPCoM), Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (mã cổ phiếu LSS – sàn HoSE) và Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La (mã cổ phiếu SLS – sàn HNX) được nhận định sẽ hưởng lợi lớn nhất từ các chính sách và giá đường tăng lên trong năm nay.
Thiếu hụt nguồn cung khiến giá đường thế giới năm nay neo cao
Tiên Phong Securities (TPS) dự báo giá đường thế giới sẽ duy trì ở mức cao, khoảng 520 USD/tấn trong năm nay, tăng 25% so với cuối năm 2022, trong bối cảnh nguồn cung đường toàn cầu có thể bị thiếu hụt do điều kiện thời tiết bất lợi, xung đột quân sự Nga – Ukraine leo thang, và xu hướng các nước tăng cường sản xuất Ethanol từ mía.
Cụ thể, Brazil - quốc gia có sản lượng đường lớn nhất thế giới đang khuyến khích sản xuất Ethanol từ mía nhiều hơn thay vì sản xuất đường tinh luyện trong bối cảnh giá dầu thô neo cao khi khối OPEC quyết định giảm sản lượng khai thác. Tương tự, tại Thái Lan - quốc gia đứng thứ 4 thế giới về sản lượng đường, dự báo sản lượng đường nước này trong niên vụ này sẽ giảm tới 2,8 triệu tấn so với niên vụ trước do nông dân chuyển đổi sang trồng sắn để sản xuất Ethanol trong bối cảnh giá dầu ngày một tăng cao.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, quốc gia đứng thứ 2 về sản lượng đường lớn thứ 2 thế giới, hiện dự báo sản lương mía đường niên vụ hiện tại 2022/2023 (từ tháng 10/2022 – 9/2023) sẽ giảm gần 3% do ảnh hưởng của mưa trái mùa. Đồng thời, cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến lượng củ cải được xuất khẩu từ cả hai quốc gia này, kéo theo đó là sự sụt giảm nguồn cung đường củ cải tại khu vực châu Âu.
Theo đó, tổng nguồn cung đường trên toàn cầu trong niên vụ 2023/2024 được dự báo sẽ đạt 178,8 triệu tấn; trong khi đó, tổng nhu cầu sử dụng ước đạt 178,9 triệu tấn, khiến thị trường bị thiếu hụt nhẹ 0,1 triệu tấn đường.
Tính từ đầu năm đến nay, giá đường thô trên Sàn giao dịch hàng hoá New York đã tăng gần 24%. Nếu so với mức đáy hồi cuối tháng 6 vừa qua, giá đường thô đã phục hồi gần 11%.
Tại thị trường trong nước, giá đường đã bắt đầu tăng lên theo giá của thế giới. Đồng thời, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu từ Thái lan đang tạo trợ lực lớn cho các doanh nghiệp mía đường Việt Nam.
Theo tính toán của TPS, với việc bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như trên, giá đường từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam dự kiến sẽ ở trên mức 22.000 đồng/kg sau khi bị đánh thuế đầy đủ.
Các chuyên gia nhận định giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì cao và đi cùng pha với giá đường thế giới trong năm 2023 do đường nhập khẩu chiếm 2/3 nguồn cung đường của Việt Nam. Giá đường tinh luyện dự báo sẽ duy trì quanh mức 20.000 đồng/kg kể từ quý 2/2023.
Tuy nhiên TPS lưu ý, sự thiếu hụt nguồn cung đường trên toàn cầu chỉ mang tính nhất thời, giá đường được kỳ vọng sẽ giảm khi nguồn cung đường thế giới dồi dào trở lại.
Doanh nghiệp mía đường nào hưởng lợi lớn nhất?
Theo đó, các doanh nghiệp mía đường có nguồn mía đường trong nước, chẳng hạn như Công ty Cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã cổ phiếu QNS – sàn UPCoM), Công ty Cổ phần Mía Đường Lam Sơn (mã cổ phiếu LSS – sàn HoSE) và Công ty Cổ phần Mía Đường Sơn La (mã cổ phiếu SLS – sàn HNX) được nhận định sẽ hưởng lợi lớn nhất từ các chính sách và giá đường tăng lên.
Trong đó, Đường Quảng Ngãi hiện chiếm 13% thị phần đường cả nước, đứng thứ 2 toàn quốc sau Tập đoàn Thành Thành Công. Nhà máy Đường An Khê của Đường Quảng Ngãi hiện có quy mô lớn nhất cả nước với công suất 1.000 tấn đường/ngày.
Đồng thời, doanh nghiệp này còn có diện tích mía đường lớn thứ 2 cả nước (30.000 ha tại An Khê, Gia Lai), với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, giá thuê đất rẻ so với mặt bằng chung của các vùng trồng mía đường trọng điểm khác.
Đáng chú ý, giá thành sản xuất đường của Đường Quảng Ngãi thấp hơn so với trung bình của cả nước 15%. Bên cạnh đó, Đường Quảng Ngãi đã phát triển và hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín nên thị trường đầu ra ổn định; sử dụng đường làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy sữa đậu nành và bánh kẹo, tận dụng được các phụ phẩm, tăng thêm doanh thu từ phụ phẩm (bã mía).
Đối với Mía đường Lam Sơn, doanh nghiệp này hiện có thị phần lớn thứ 3 cả nước, chiếm 10%. Mía đường Lam Sơn sở hữu 2 nhà máy sản xuất với công suất 7.000 tấn/ngày và diện tích mía đường ở mức vừa phải (15.000 ha tại Thanh Hóa).
Trong khi đó, Mía đường Sơn La có quy mô sản xuất vừa, đạt 60.000 tấn đường/năm và diện tích mía đường ở mức vừa phải (9.000 ha tại Yên Châu, Sơn La). Tuy nhiên, vùng trồng của Mía đường Sơn la có điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết thuận lợi cho mía đường có chữ đường cao.
Tỷ lệ chuyển đổi đường sang mía của Mía đường Sơn La hiện cao nhất cả nước giúp giá thành sản xuất thấp. Cụ thể, tỷ lệ chuyển đổi đường của Mía đường Sơn La ở mức 114 kg đường/tấn mía, so với mức 100 kg đường/tấn mía của các doanh nghiệp mía đường khác. Đặc biệt, đây là doanh nghiệp duy nhất trên sàn chứng khoán được hưởng thuế ưu đãi doanh nghiệp.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp mía đường đều bật tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Trong đó, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi đã tăng khoảng 56%; cổ phiếu LSS của Mía đường Lam Sơn tăng khoảng 116%; và cổ phiếu SLS của Mía đường Sơn La tăng khoảng 120% so với thời điểm đầu năm nay.