Lợi nhuận quý 2/2023 cao gấp 3,3 lần cùng kỳ năm trước
Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PV Trans Pacific, mã cổ phiếu PVP – sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu thuần đạt 360 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, lợi nhuận gộp lên đến 60 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với quý 2/2022 nhờ giá vốn hàng bán được giữ gần như tương đương mức cùng kỳ năm trước. Điều này đã giúp biên lợi nhuận của PV Trans Pacific tăng lên mức 17% trong quý 2/2023, so với mức 9% của quý 2/2022.
Đồng thời, doanh thu tài chính của hãng vận tải biển này trong quý 2/2023 cũng tăng gấp 3,5 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 20 tỷ đồng.
Kết quả, PV Trans Pacific ghi nhận lãi ròng quý 2/2023 đạt gần 55 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Chia sẻ thông tin về kết quả kinh doanh này, PV Trans Pacific cho biết: "Đội tàu của hãng đang tiếp tục khai thác trên thị trường quốc tế với giá cước tốt. Ngoài ra, công ty cũng đã đầu tư thêm tàu Pacific Era, góp phần làm tăng doanh thu."
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, hãng vận tải biển này ghi nhận doanh thu thuần 665 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 102 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và 230% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, PV Trans Pacific hiện đã hoàn thành 46% mục tiêu doanh thu và 64% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Trong năm ngoái, PV Trans Pacific đã thực hiện thanh lý tàu Athena thu về khoảng 200 tỷ đồng giúp cải thiện sức khỏe tài chính và có thêm nguồn lực đầu tư mới trong tương lai. Tính đến cuối tháng 6/2023, hãng vận tải này đang nắm giữ hơn 833 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, tương đương gần 30% tổng tài sản.
Triển vọng kinh doanh tiếp tục "thuận buồm xuôi gió"
Hoạt động kinh doanh của PV Trans Pacific nói riêng của các hãng vận tải dầu khí nói chung đang được hưởng lợi khi giá cước vận tải dầu các tuyến và giá cho thuê tàu định hạn tăng cao so với cùng kỳ năm 2022.
Nguyên nhân đến từ căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và phương Tây lên Nga làm thay đổi hải trình và thời gian các tuyến vận tải dầu hiện nay.
Các chỉ số cước vận tải dầu thô Baltic Dirty Tanker (BAID) và vận tải dầu thành phẩm Baltic Clean Tanker (BAIT) đều có dấu hiệu phục hồi sau khi điều chỉnh mạnh từ đỉnh tại thời điểm cuối quý 4/2022. Chỉ số BAID hiện vẫn cao gần gấp đôi so với giai đoạn đầu năm 2022 trong khi chỉ số BAIT quay về mức trung bình.
Đồng thời, tỷ lệ huy động tàu chở dầu trên thị trường quốc tế tăng dưới tác động của các xung đột địa chính trị. Bản đồ dòng chảy năng lượng trên toàn cầu thay đổi khiến hải trình trung bình của các sản phẩm dầu khí trong năm 2023 tăng khoảng 3,5% trong năm 2023, theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA).
Mặt khác, nguồn cung vận tải dầu đang trở nên hạn chế do quy mô đội tàu quốc tế tăng chậm và tốc độ di chuyển các tàu giảm khoảng 1%-2% để đáp ứng các quy định của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) về giảm phát thải khí nhà kính từ tàu biển (quy định này có hiệu lực từ tháng 1/2023).
Sự chênh lệch giữa cung - cầu vận tải dầu khí trên thế giới được dự báo sẽ duy trì ít nhất đến cuối năm 2024, giúp tăng tỷ lệ huy động đội tàu chở dầu hiện tại, từ đó tác động tích cực đến những doanh nghiệp hoạt động nhiều trên thị trường quốc tế, bao gồm PV Trans Pacific.
Hiện PV Trans Pacific đang sở hữu tàu Apolo (size Aframax) hoạt động trên tuyến quốc tế, giá thuê định hạn đối với size tàu Aframax đang ở mức 47.000 USD/ngày, cao hơn khoảng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.