Nguyên nhân chủ yếu do lo ngại tình trạng căng thẳng nguồn cung khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) trên toàn cầu sẽ trở nên trầm trọng hơn sau khi Nga giảm lượng cung khí qua các đường ống dẫn khí đốt tại châu Âu và cơ sở hoá lỏng khí tự nhiên lớn hàng đầu Hoa Kỳ Freeport LNG sẽ phải ngưng hoạt động đến cuối năm nay.
Cụ thể, trong tuần này, tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) đã giảm lượng khí đốt cung cấp cho Đức qua hệ thống đường ống dẫn khí Nord Stream 1 đến 60% so với kế hoạch với lý do hãng Siemens của Đức “chậm trả lại các thiết bị cần thiết sau sửa chữa” cho đường ống dẫn khí.
Công ty điều hành hệ thống phân phối khí của Pháp GRT cho biết Pháp đã không nhận được khí đốt của Nga qua hệ thống dẫn khí từ Đức trong hơn 1 tháng qua. Tập đoàn năng lượng Eni (Italy) cũng cho biết Gazprom đã giảm 50% lượng khí đốt cung ứng cho Italy so với kế hoạch.
Trong khi đó, Freeport LNG vừa cho biết sự cố hoả hoạn trong tuần trước sẽ khiến nhà máy phải ngưng hoạt động hoàn toàn cho đến tháng 9 và chỉ một phần nhà máy sẽ hoạt động trở lại vào cuối năm nay. Trước đó, Freeport LNG cho rằng sẽ chỉ cần khoảng 3 tuần để khắc phục các thiệt hại. Khoảng 68% sản lượng khí LNG của Freeport LNG được xuất khẩu sang khu vực châu Âu và đây được xem là nguồn cung ứng năng lượng cần thiết để giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Giới quan sát nhận định việc châu Âu thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga lẫn nguồn cung khí LNG từ Hoa Kỳ sẽ khiến các nhà nhập khẩu châu Âu cạnh tranh quyết liệt hơn với khu vực châu Á để tiếp cận các lô khí trên thị trường. Bên cạnh đó, sự cố của Freeport LNG cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung khí cho một số quốc gia Đông Bắc Á như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Dữ liệu của S&P Global Commodity Insights cho thấy lượng nhập khẩu khí LNG tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong tháng 6 đã tăng đáng kể so với tháng 5 khi nhiệt độ tại nhiều quốc gia tăng cao khiến nhu cầu sử dụng điện làm mát tăng vọt. Khu vực châu Âu hiện cũng đang đối mặt với các đợt nắng nóng cao điểm.
Một số nhà phân tích cho rằng việc giá khí LNG tăng vọt có thể khiến các hãng nhập khẩu khí LNG tại Trung Quốc bán các lô khí chưa dùng đến sang những quốc gia khác. Nhu cầu sử dụng năng lượng nói chung và sử dụng khí LNG nói riêng tại Trung Quốc đang ở mức thấp hơn thông thường khi nước này áp dụng nhiều biện pháp phong toả nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch Covid-19.