Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết các doanh nghiệp tiêu thụ khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) đang bắt đầu đàm phán với các nhà cung cấp nhằm tận dụng việc giá khí LNG đang ở mức thấp nhất lịch sử.
Tính từ đầu năm đến nay, gía khí LNG đã giảm 43% so với cùng kỳ năm 2018 do tình trạng dư cung trong bối cảnh các mỏ khí mới tại Hoa Kỳ, Australia và một số quốc gia mới được đưa vào khai thác. Theo thông lệ, giá khí LNG thường có xu hướng tăng lên vào mùa đông nhưng giá khí LNG giao ngay tại thị trường Châu Á hiện chỉ đạt 5,70 USD/mmBtu (triệu đơn vị nhiệt lượng Anh) so với mức 10 USD/mmBtu cùng thời điểm năm ngoái và thấp hơn nhiều so với mức giá 20 USD/mmBtu vào mùa Đông năm 2014. Giá khí LNG tại Châu Á vào mùa Hè 2019 dao động tại mức 4 USD/mmBtu – mức thấp nhất trong gần 3 năm trở lại đây.
Gia tăng cạnh tranh giữa các nhà cung cấp khí LNG lớn trên thị trường Châu Á cũng đẩy giá khí LNG giảm mạnh. Nhờ tận dụng các vị trí quá cảnh mới tại kênh đào Panama, các doanh nghiệp cung cấp khí đốt của Hoa Kỳ giờ có thể cung ứng khí LNG sang thị trường Châu Á với giá rẻ và nhanh chóng. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 9/2019, đã có 399 tàu chuyên chở khí LNG đi qua kênh đào Panama, tăng mạnh so với mức 163 tàu vào năm 2017. Lượng khí LNG xuất khẩu của Hoa Kỳ trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 22 triệu tấn và phần lớn được chuyển đến khu vực Châu Á, gồm Singapore, Thái Lan và Hàn Quốc. Trong khi đó, một số dự án khai thác được đầu tư từ năm 2010 tại Nga và Australia hiện giờ bắt đầu được đưa vào vận hành đã làm gia tăng nguồn cung ra thị trường. Nga hiện đang đẩy mạnh bán khí LNG cho Trung Quốc với dự án đường ống dẫn khí mới "Sức mạnh Siberia" trong bối cảnh chiến tranh thương mại đã khiến Trung Quốc giảm mua khí LNG từ Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dưới tác động tiêu cực của các xung đột thương mại đã làm giảm nhu cầu sử dụng khí LNG của các khách hàng lớn, qua đó đè nặng áp lực giảm lên giá khí LNG. Nhu cầu sụt giảm trong khi nguồn cung tăng cao đã khiến lượng tồn kho khí LNG của các doanh nghiệp nhập khẩu tăng lên.
Giá khí LNG thường có diễn biến cùng chiều với giá dầu thô và các doanh nghiệp tiêu thụ khí đốt khu vực Châu Á thường đàm phàn hợp đồng mua khí LNG dựa trên giá dầu thô Brent. Trong bối cảnh giá dầu thô Brent đã giảm 15% so với mức giá đỉnh điểm hồi tháng 4/2019, giá khí LNG cũng có xu hướng được điều chỉnh giảm trong các hợp đồng cung ứng mới. Cụ thể, giá khí LNG giao đến khu vực Châu Á hiện chỉ đạt mức 11% giá dầu thô Brent với giá dầu thô Brent hiện đạt 63 USD/thùng.
Chuyên gia phân tích Nicholas Browne từ hãng phân tích thị trường Wood Mackenzie cho biết hầu hết các dự án bán khí LNG đến thị trường Châu Á sẽ đạt được mức tỷ suất lợi nhuận ưng ý tại mức 11,5% giá dầu thô 60 USD/thùng.
Hiện thị trường khí LNG Châu Á đang quan sát chặt chẽ diễn biến đàm phán giữa Tập đoàn Gas Hàn Quốc (KOGAS) với hãng Qatargas về một hợp đồng tiêu thụ khí LNG mới. Hợp đồng kéo dài 20 năm giữa KOGAS và Qatargas về việc mua 4,92 triệu tấn khí LNG hiện nay sẽ kết thúc vào năm 2024. Mức giá khí LNG trong hợp đồng mới giữa KOGAS và Qatargas được nhận định sẽ trở thành mức giá tiêu chuẩn cho giá khí LNG tại thị trường Châu Á trong giai đoạn sắp tới.