Các chuyên gia phân tích dự báo lượng dầu thô xuất khẩu của Hoa Kỳ có thể tăng lên tới 4 triệu thùng/ngày trong thời gian tới trong bối cảnh ngành hàng hải sẽ sử dụng nhiều hơn dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh thấp.
Theo quy định mới từ Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), kể từ ngày 1/1/2020, hàm lượng lưu huỳnh của dầu nhiên liệu sử dụng trong vận tải biển phải giảm xuống còn 0,5% so với mức 3,5% hiện nay nhằm hạn chế lượng khí thải sufur dioxie ra môi trường từ hơn 80.000 tàu chuyên chở hàng hoá trên khắp các đại dương hiện nay. IMO nêu rõ việc áp dụng quy định mới là trách nhiệm của các quốc gia và cần được thực thi, tôn trọng và giám sát chặt chẽ. Việc áp dụng quy định này được ủy quyền cho các cơ quan tư pháp của tất cả các quốc gia trên thế giới.
Quy định này được dự báo sẽ làm tăng nhu cầu về dầu thô ngọt nhẹ của Hoa Kỳ, đặc biệt là dầu thô được khai thác từ lưu vực Permina của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, việc hoàn thành các dự án đường ống xuất khẩu dọc theo bờ Duyên hải Vịnh Mexico của Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ việc sản xuất và xuất khẩu dầu thô thuận lợi hơn. Nhờ tiến bộ trong khai thác dầu đá phiến, Hoa Kỳ đã vượt Ả-rập Xê-út để trở thành quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới với sản lượng đạt mức cao kỷ lục 12,3 triệu thùng/ngày – theo Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA).
Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) đánh giá quy định của IMO là biến động lớn cho thị trường năng lượng và thị trường vận tải biển thế giới do chi phí của các chủ tàu sẽ tăng lên và phần phụ phí tăng sẽ được chuyển cho khách hàng, đẩy giá vận chuyển hàng hoá. Đồng thời, nhu cầu về dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh thấp tăng sẽ khiến các nhà máy lọc dầu nâng cấp công nghệ để tăng khả năng khử lưu huỳnh.
Ông Andy Lipow, chủ tịch của Hiệp hội Dầu mỏ Lipow tại Houston cho biết các nhà máy lọc dầu trên thế giới đang điều chỉnh nguồn cung dầu thô đầu vào để giảm lượng dầu thô chứa hàm lượng lưu huỳnh cao như loại dầu thô chua của khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, nhu cầu tăng lên đối với dầu thô chứa hàm lượng lưu huỳnh thấp sẽ khiến hoạt động khai thác dầu thô ngọt ngoài khơi vùng Vịnh Trung Đông tăng lên.
Mỗi năm, vận tải biển tiêu thụ khoảng 200 triệu tấn (Mt) dầu nhiên liệu nặng (tương đương 45% lượng tiêu thụ hằng năm của thế giới) và 30 Mt gasoil (5% lượng tiêu thụ hằng năm của thế giới), theo Paul Tourret, Giám đốc Viện Kinh tế hàng hải cao cấp (ISEMAR).
Để tuân thủ quy định mới của IMO, các tàu biển sẽ có thể sử dụng các loại nhiên liệu khác nhau cho động cơ đẩy: Dầu nhiên liệu nặng lưu huỳnh thấp (LSFO) có nguồn gốc từ quá trình chưng cất dầu thô hàm lượng lưu huỳnh thấp (hoặc chưng cất dầu hàm lượng lưu huỳnh cao, sau đó khử lưu huỳnh tại nhà máy lọc dầu); dầu nhiên liệu nhẹ hơn như dầu diesel hàng hải (MDO hoặc MGO); loại nhiên liệu thay thế như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Để tuân thủ các quy định mới, nhiều chủ tàu tại Pháp đã chọn dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh rất thấp cho các tàu hiện có của mình, theo Hiệp hội Armateurs de France, đại diện cho các công ty dịch vụ và vận tải hàng hải của Pháp cho biết.