Chốt phiên giao dịch ngày 5/12, giá dầu thô Brent giao tháng 2/2020 trên Sàn giao dịch tương lai Châu Âu ICE đã tăng 66 cents/thùng tương ứng 1% lên mức 63,65 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 1/2020 trên Sàn giao dịch thương mại New York (NYMEX) cũng tăng 33 cents/thùng lên mức 58,75 USD/thùng.
Trong phiên giao dịch ngày hôm qua (4/12), giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã có mức tăng lần lượt là 3,6% và 4,2% nhờ kỳ vọng khối OPEC sẽ đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác và dữ liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm xuống.
Giá dầu thô tăng lên trước thềm cuộc họp của khối OPEC diễn ra tại Vienna trong ngày 5 và 6/12. Thị trường hiện kỳ vọng khối OPEC và các quốc gia đồng minh khai thác dầu thô như Nga (khối OPEC+) sẽ đồng ý đẩy mạnh cắt giảm sản lượng khai thác nhằm hỗ trợ giá dầu thô tăng lên và ngăn chặn tình trạng dư cung trong năm 2020. Kể từ đầu năm 2019, khối OPEC+ đã thực hiện thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác 1,2 triệu thùng/ngày nhằm cân bằng thị trường và thoả thuận này sẽ chấm dứt vào tháng 3/2020. Khối OPEC+ đã thực hiện các biện pháp kiểm soát nguồn cung dầu thô từ năm 2017 nhằm ngăn chặn đà giảm giá của dầu thô trong bối cảnh Hoa Kỳ đẩy mạnh khai thác dầu đá phiến. Hoa Kỳ hiện đã trở thành quốc gia khai thác dầu thô lớn nhất thế giới.
Hãng tin Reuters cho biết khối OPEC+ có thể nâng mức cắt giảm sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày lên mức 1,6 triệu thùng/ngày. Các chuyên gia nhận định việc sản lượng khai thác dầu thô của các quốc gia ngoài khối OPEC như Brazil và Nauy tăng lên trong năm 2020 có thể khiến tình trạng dư cung dầu thô trở nên trầm trọng hơn.
Theo các chuyên gia phân tích nhận định Ả-rập Xê-út, quốc gia có sản lượng khai thác dầu thô lớn nhất khối OPEC, sẽ tích cực vận động khối OPEC đẩy mạnh cắt giảm sản lượng nhằm nâng giá dầu thô với kỳ vọng giá dầu thô tăng sẽ giúp cải thiện ngân sách và hỗ trợ việc IPO của tập đoàn dầu thô quốc gia Ả-rập Xê-út Saudi Aramco.
Mặc dù giá dầu thô đã tăng lên trong các phiên giao dịch gần đây nhưng giá dầu thô vẫn thấp hơn tuần trước do thị trường lo ngại thoả thuận thương mại sơ bộ Hoa Kỳ - Trung Quốc khó có thể sớm được ký kết. Chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kéo theo sụt giảm triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô.
Trong ngày 4/12, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết các phiên đàm phán thương mại với Trung Quốc hiện diễn ra “rất tốt”. Tuy nhiên, trong ngày 3/12, ông Donald Trump đã cho biết thoả thuận thương mại sơ bộ Hoa Kỳ - Trung Quốc có thể phải hoãn đến sau kỳ bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ 2020. Các tin tức trái chiều về diễn biến thoả thuận thương mại sơ bộ Hoa Kỳ - Trung Quốc đã tác động đến diễn biến giá dầu thô.