Gia Lai ban hành Kế hoạch phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn

Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2050, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có đủ năng lực đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng đáp ứng nhu cầu tại tỉnh về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch số 870/KH-UBND ngày 9/4/2025 về thực hiện Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mục tiêu nhằm tạo đột phá trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh trong bối cảnh phát triển nhanh, mạnh mẽ của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, đồng thời góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển đồng bộ kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Đồng thời, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm các nội dung trong Kế hoạch; chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, bảo đảm hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tế về phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh.

công nghiệp bán dẫn Gia Lai
Tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh - Ảnh minh họa.

Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2030, liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, học viện, các tổ chức, cá nhân theo quy định để triển khai các chương trình liên kết, hợp tác đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây cho học sinh, sinh viên có nhu cầu.

Đến năm 2050, nghiên cứu xây dựng, triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có đủ năng lực đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng đáp ứng nhu cầu tại tỉnh về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Về các nhiệm vụ, giải phóng trọng tâm, tỉnh Gia Lai sẽ truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của Chương trình, của ngành công nghiệp bán dẫn và khối ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM), tạo phong trào thi đua sôi nổi trong thực hiện phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn và các nội dung của Chương trình.

Bên cạnh đó, triển khai cơ chế, chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Đồng thời, phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, học viện, các tổ chức có uy tín để triển khai các chương trình liên kết, hợp tác tổ chức đào tạo các ngành liên quan đến lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Khuyến khích, thúc đẩy theo học các khối ngành về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), tiếng Anh chuyên ngành, kỹ năng mềm, tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo làm nền tảng theo học các ngành liên quan đến lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

UBND tỉnh Gia Lai cũng ưu tiên phân bổ vốn ngân sách địa phương, huy động các nguồn lực xã hội hóa, các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, dự án thuộc phạm vi Chương trình được giao cho tỉnh chủ trì và hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn theo quy định của pháp luật.

Khuyến khích khởi nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn, tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực lao động, tài chính và công nghệ bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Ngoài ra, tăng cường gắn kết đào tạo nhân lực trình độ sau đại học với hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn thông qua thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Triển khai mô hình hợp tác hiệu quả giữa 3 Nhà: Nhà nước-Nhà trường-Nhà doanh nghiệp; mô hình hợp tác công-tư để kết hợp nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, rà soát tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất Bộ, ngành liên quan giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình và hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Hạ Vĩ