Giá lợn hơi dao động trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg
Theo ghi nhận, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc ghi nhận tăng 1.000 đồng/kg so với ngày 12/4, dao động trong khoảng 49.000 - 51.000 đồng/kg. Trong đó, giá thu mua tại tỉnh Phú Thọ điều chỉnh lên mức cao nhất khu vực là 51.000 đồng/kg, cùng mức giá tại tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc và Ninh Bình. Các tỉnh, thành còn lại duy trì thu mua lợn hơi ổn định trong khoảng 49.000 - 50.000 đồng/kg.
Tương tự, giá lợn hơi ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên không biến động nhiều. Ngoại trừ tỉnh Nghệ An giá thu mua lên mức 50.000 đồng/kg sau khi tăng nhẹ một giá, các tỉnh còn lại có giá lợn hơi tiếp tục đi ngang, dao động trong khoảng 48.000 - 51.000 đồng/kg. Mức giá giao dịch thấp nhất khu vực hiện là 48.000 đồng/kg là mức giao dịch ghi nhận tại tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Giá lợn hơi cao nhất khu vực là 51.000 đồng/kg, ghi nhận tại Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Diễn biến giá lợn hơi ở khu vực phía Nam có biến động hơn so với khu vực miền Bắc và miền Trung – Tây Nguyên khi giá tăng nhẹ ở một vài nơi. Giá thu mua lợn hơi ở các tỉnh Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre và Sóc Trăng tăng nhẹ một giá, lên mức 51.000 đồng/kg, ngang bằng với giá thu mua tại An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và Trà Vinh. Trong khi đó, giá giao dịch tại Cà Mau và Bạc Liêu ở ngưỡng cao nhất trong khu vực là 52.000 đồng/kg. Các tỉnh, thành còn lại duy trì giao dịch trong khoảng giá là 48.000 - 50.000 đồng/kg.
Tiếp tục gỡ khó cho thị trường
Mặc dù có biến động tăng nhẹ rải rác trong những ngày gần đây, tuy nhiên nhìn chung giá lợn hơi trong nước đã có tới 6 tháng giảm liên tiếp, hiện dao động ở mức thấp từ 48.000 - 52.000 đồng/kg. Theo ghi nhận tại một số chợ đầu mối tại miền Bắc, tình hình giao dịch lợn hơi cũng đang khá chậm.
Trong khi giá bán lợn hơi giảm thấp, chi phí thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước vẫn ở mức cao, điều này đang tác động không nhỏ tới tình hình chăn nuôi của các hộ, trang trại vừa và nhỏ.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi, giảm chi phí đầu vào, nhất là giá thức ăn chăn nuôi được cho là giải pháp quan trọng. Hiện hầu hết thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã được đưa về 0%; chỉ còn riêng mặt hàng khô dầu đậu nành còn chịu mức thuế 2%. Vừa qua Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam (VFA) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% về 0% nhằm giảm áp lực lên chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, để giải quyết khó khăn cho người chăn nuôi và doanh nghiệp, thúc đẩy thị trường tiêu thụ là vấn đề cấp thiết. Theo các chuyên gia, ngoài việc cung ứng cho thị trường trong nước, người chăn nuôi và doanh nghiệp cần tổ chức hệ thống hơn, chuyên nghiệp hơn để có thể xuất khẩu những sản phẩm chăn nuôi đang dư thừa, giảm bớt sức ép cho thị trường.
Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 3,68 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 15,98 triệu USD, tăng 58,7% về lượng và tăng 49,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt tăng là do xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt như thị trường Hồng Kông, Papua New Guinea, Bỉ, Malaysia, Hàn Quốc, Lào... tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 18 thị trường, chủ yếu các chủng loại như: Thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh... Trong đó, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 2,01 nghìn tấn, trị giá 11,29 triệu USD, tăng 48,4% về lượng và tăng 50,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022 với các thị trường chủ yếu gồm: Hồng Kông, Papua New Guinea, Malaysia và Lào.
Thị trường xuất khẩu nhiều nhất là Hồng Kông, chiếm 43,79% về lượng và 64,63% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt sang thị trường Hồng Kông đạt 1,61 nghìn tấn, trị giá 10,33 triệu USD, tăng 47,3% về lượng và tăng 53,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh nguyên con và thịt lợn nguyên con đông lạnh.