Giá cao nhất 52.000 đồng/kg
Cụ thể, theo khảo sát tại nhiều địa phương khu vực miền Bắc, giá lợn hơi ở mức 49.000 đồng/kg; cao hơn một chút ở mức 50.000 đồng/kg là mức giao dịch tại Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nội và Tuyên Quang. Trong khi đó, các địa phương như Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình và Vĩnh Phúc đang thu mua lợn hơi với giá cao nhất khu vực miền Bắc là 51.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá thu mua lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg. Trong đó, giá thu mua lợn hơi được ghi nhận tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế là 48.000 đồng/kg; giá lợn hơi tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Ninh Thuận duy trì ở mức 49.000 đồng/kg; giá thu mua tại các địa phương khác trong khu vực ở mức 50.000 - 52.000 đồng/kg.
Thị trường lợn hơi tại miền Nam cũng ghi nhận chững giá. Theo đó, lợn hơi tại Tây Ninh đang được thu mua với giá 48.000 đồng/kg; giá thu mua tại Bình Dương ở mức 49.000 đồng/kg; giá lợn hơi tại các tỉnh, thành khác trong khu vực ở mức 50.000 - 52.000 đồng/kg.
Như vậy có thể thấy, ngày cuối tuần 8/4, giá lợn hơi tại cả ba miền tiếp tục duy trì ở mức thấp; trong đó biên độ dao động giá tại khu vực miền Bắc là hẹp nhất.
Kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn phục hồi
Tổng hợp của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại cho thấy, trong tháng 3/2023, giá lợn hơi tại các tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn khá trầm lắng, dao động trong khoảng 48.000-52.000 đồng/kg, giảm 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 2/2023.
"Nguồn cung thực phẩm dồi dào, trong khi sức mua thấp do ảnh hưởng bởi lạm phát, cộng với xu hướng giảm ăn thịt lợn, tăng ăn thịt gà, thuỷ sản... khiến giá lợn hơi liên tục ở mức thấp trong thời gian qua", thông tin nhận định.
Dự báo nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sẽ phục hồi trở lại, nhưng vẫn chưa phục hồi như trước khi có dịch Covid-19. Thịt lợn đang mất dần vị trí là lựa chọn số một của người nội trợ đối với nhóm đạm động vật. Ngoài ra, tình trạng già hóa dân số tại Việt Nam khiến người dân cũng bắt đầu phải ý thức hơn về loại thực phẩm được lựa chọn để tiêu thụ, khi tuổi càng cao thì tỉ lệ mắc các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp sẽ ngày càng tăng lên. Điều này khiến cho thịt lợn sẽ dần không còn là sản phẩm tiêu dùng hàng đầu của người dân nữa.
Năm 2023, dự báo chăn nuôi lợn sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Giá con giống và thức ăn chăn nuôi vẫn đứng ở mức cao, ngày càng nhiều hộ bỏ chuồng, khi chăn nuôi công nghiệp phát triển, nông dân rất khó cạnh tranh về giá thành sản xuất.
Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt nhiều nhất sang Hồng Kông
Về xuất khẩu, theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 3,68 nghìn tấn thịt và các sản phẩm thịt, trị giá 15,98 triệu USD, tăng 58,7% về lượng và tăng 49,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt tăng là do xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt như thị trường Hồng Kông, Papua New Guinea, Vương quốc Bỉ, Malaysia, Hàn Quốc, Lào... tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 2 tháng đầu năm 2023, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 18 thị trường. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hồng Kông, chiếm 43,79% về lượng và 64,63% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước. Trong 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt sang thị trường Hồng Kông đạt 1,61 nghìn tấn, trị giá 10,33 triệu USD, tăng 47,3% về lượng và tăng 53,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh nguyên con và thịt lợn nguyên con đông lạnh.