Giá lương thực thế giới tháng 4/2023 bất ngờ tăng trở lại khi giá đường lên cao nhất 12 năm

Chỉ số Giá Lương thực thế giới (FAO Food Index) tháng 4/2023 bất ngờ tăng trở lại sau 12 tháng giảm liên tiếp, chủ yếu do giá đường chạm mức cao nhất gần 12 năm trở lại đây.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết Chỉ số Giá Lương thực thế giới (FAO Food Index) tháng 4/2023 bất ngờ tăng nhẹ 0,6% sau 12 tháng giảm liên tiếp, đạt 127,2 điểm, so với mức 126,5 điểm ghi nhận trong tháng 3/2023.

Chỉ số Giá lương thực thế giới phản ánh diễn biến giá của các nhóm lương thực, thực phẩm chủ chốt trên toàn cầu. Nếu so với mức cao kỷ lục được xác lập hồi tháng 3/2022 dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine thì chỉ số này đã giảm khoảng 20%.

Chỉ số giá lương thực thế giới FAO Food Index
 Diễn biến chỉ số Giá Lương thực thế giới trong 12 tháng vừa qua. (Đồ hoạ: tradingeconomics.com)

FAO cho biết giá lương thực thế giới trong tháng vừa qua tăng chủ yếu do giá đường tăng đáng kể cùng với đó là việc giá thịt trở nên đắt đỏ hơn; ngược lại, giá ngũ cốc, sữa và các sản phẩm từ sữa, và các loại dầu ăn tiếp tục xu hướng giảm.

Trong đó, chỉ số Giá Đường tháng 4/2023 đã tăng tới 17,6% so với hồi tháng 3, lên mức 149,4 điểm, xác lập tháng tăng giá thứ 3 liên tiếp và chạm mức cao nhất kể từ hồi tháng 10/2011. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung đường trên toàn cầu trong niên vụ 2022/2023 suy giảm mạnh. Sản lượng đường của Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan và Liên minh châu Âu trong năm nay được nhận định sẽ thấp hơn kỳ vọng.

Bên cạnh đó, hoạt động canh tác vụ mía mới tại Brazil đang bị đình trệ do mưa diễn ra nhiều hơn thường lệ. Việc giá dầu thô thế giới tăng cao và đồng Real Brazil lên giá so với đồng USD cũng khiến các nhà máy ép mía đường tại Brazil có xu hướng gia tăng sử dụng mía để sản xuất ethanol phối trộn cho xăng sinh học, thay vì sản xuất đường. Điều này càng khiến tình trạng thiếu hụt đường trở nên căng thẳng hơn.

Chỉ số Giá Thịt tháng 4/2023 tăng nhẹ 1,3% so với hồi tháng 3, chủ yếu do giá thịt lợn tại nhiều quốc gia châu Á tăng lên và tình trạng nguồn cung từ một số quốc gia xuất khẩu thịt lớn trên thế giới tiếp tục bị hạn chế.  

Ngược lại, chỉ số Giá ngũ cốc tháng 4/2023 giảm 1,7% so với hồi tháng 3, xuống còn 136,1 điểm trong bối cảnh giá ngoại trừ giá gạo, giá các loại ngũ cốc chủ chốt trên thế giới đều đã hạ nhiệt. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số này hiện đã giảm đến 19,8%.

Cụ thể, giá lúa mì đã giảm 2,3%, chạm mức thấp nhất kể từ hồi tháng 7/2021, chủ yếu do nguồn cung lúa mì từ Nga và Australia tăng vọt, cùng với đó là tình hình thời tiết tại châu Âu thuận lợi giúp cải thiện triển vọng sản lượng lúa mì thời gian tới. Giá ngô trên thị trường quốc tế cũng đã giảm 3,2%, chủ yếu do nguồn cung từ khu vực Nam Mỹ tăng lên khi nhiều quốc gia tại đây bước vào vụ thu hoạch. Đồng thời, thời tiết thuận lợi có thể giúp sản lượng ngô tại Brazil đạt kỷ lục mới trong năm nay.

Đáng chú ý, gạo là loại ngũ cốc duy nhất tăng giá. Giá gạo đã quay lại mức giá ngang bằng hồi tháng 2/2023, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu gạo của một số quốc gia châu Á tăng cao.

Chỉ số Giá Dầu thực vật tháng 4/2023 giảm 1,3% so với hồi tháng 3, đạt 130 điểm, xác lập tháng giảm giá thứ 5 liên tiếp. Trong đó, giá dầu đậu nành chịu áp lực giảm khi Brazil có thể ghi nhận sản lượng đậu tương cao kỷ lục trong năm nay. Giá dầu cọ hiện được giữ không đổi so với hồi tháng 3 trong bối cảnh nguồn cung từ các nước xuất khẩu chủ chốt tiếp tục bị hạn chế, nhưng nhu cầu từ các nước nhập khẩu suy yếu.

Nhà kinh tế trưởng của FAO, ông Maximo Torero nhận định việc các nền kinh tế phục hồi hậu giai đoạn suy yếu sau đại dịch COVID-19 sẽ làm gia tăng nhu cầu, qua đó đẩy giá lương thực tăng lên.

Ông bày tỏ quan ngại trước tình trạng giá gạo tăng và đề xuất Nga và Ukraine gia hạn Sáng kiến Biển Đen nhằm duy trì nguồn cung ngũ cốc từ khu vực Biển Đen, qua đó bình ổn giá ngô và lúa mì trên thị trường quốc tế. Giá lương thực tăng trở lại càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo FAO, trong năm 2022, khoảng 258 triệu người trên toàn cầu cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp do ảnh hưởng của xung đột, các cú sốc về kinh tế và các thảm họa khí hậu, tăng mạnh so với mức 193 triệu người của năm 2021.

Quỳnh Trang