Trong nội dung một bài phát biểu diễn ra ngày 28/4 (giờ địa phương), Chính phủ Nga tái khẳng định cáo buộc của nước này rằng các thoả thuận dành cho Nga trong Sáng kiến Biển Đen là không được thực hiện nghiêm túc và cho biết triển vọng của thoả thuận này “không tích cực”.
Trước đó, vào giữa tháng 4, Bộ Ngoại giao Nga cho biết có thể không gia hạn Sáng kiến Biển Đen sau ngày 18/5 tới đây do các nước phương Tây không thực hiện cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho Nga xuất khẩu ngũ cốc và phân bón. Đồng thời, Nga cũng yêu cầu phương Tây cần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nước này nhập khẩu máy móc, phụ tùng máy nông nghiệp; dỡ bỏ các hạn chế về bảo hiểm và tái bảo hiểm…
Sáng kiến Biển Đen hay còn gọi là thoả thuận ngũ cốc được ký kết giữa Nga và Ukraine dưới sự dàn xếp của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 7/2022 và được gia hạn vào tháng 11/2022 nhằm đảm bảo nguồn cung ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì và ngô, cho thị trường thế giới trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine khiến tuyến đường vận chuyển ngũ cốc tại khu vực Biển Đen bị phong toả. Trước khi cuộc xung độ nổ ra, 90% lượng ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu thông qua khu vực Biển Đen. Sáng kiến Biển Đen đang được các bên đánh giá gia hạn thêm sau ngày 18/5/2023.
Giới phân tích nhận định việc Nga rút lui khỏi Sáng kiến Biển Đen sẽ khiến căng thẳng nguồn cung ngũ cốc trên toàn cầu niên vụ 2022/2023 (tháng 7/2022 – tháng 6/2023) trở nên nghiêm trọng hơn. Trong báo cáo gần nhất, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) nhận định nhờ Sáng kiến Biển Đen nên giá lúa mì và giá ngô đã hạ nhiệt đáng kể trong thời gian vừa qua, góp phần kiềm chế giá lương thực trên toàn cầu.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Nông nghiệp Romania vừa cho biết nước này sẽ tạm cấm nhập khẩu ngũ cốc và các loại hạt chứa dầu của Ukraine cho đến ngày 5/6. Trước đó, Ba Lan, Hungary, Slovakia và Bulgaria đã đồng loạt tạm cấm nhập khẩu ngũ cốc và nhiều loại nông sản khác từ Ukraine do các mặt hàng nông sản giá rẻ của Ukraine đe doạ đến ngành nông nghiệp những nước này.
Kể từ tháng 5/2022, Liên minh châu Âu (EU) cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc dự trữ qua khối này sau khi các tuyến đường vận chuyển ở Biển Đen bị phong tỏa do cuộc xung đột quân sự với Nga. Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Romania và Slovakia là các quốc gia trung chuyển ngũ cốc xuất khẩu của Ukraine và lượng ngũ cốc này không cần làm thủ tục hải quan, không bị áp thuế cũng như kiểm tra chính thức.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nước cáo buộc tỷ lệ lớn hàng nông sản của Ukraine sau khi được đưa vào EU đã không được xuất khẩu tiếp mà bị bán phá giá trên thị trường, nhất là tại các nước Trung và Đông Âu. Điều này buộc nhiều nước đơn phương cấm nhập khẩu các sản phẩm nông sản từ Ukraine để bảo vệ thị trường nội địa. Ukraine đã phản đối quyết liệt các động thái này.
Hiện Uỷ ban châu Âu (EC) đang thúc đẩy một thỏa thuận cho phép quá cảnh 5 mặt hàng chiếm khoảng 80-90% tỷ trọng xuất khẩu nông sản của Ukraine qua khối EU. Đổi lại, nông dân bị ảnh hưởng ở các nước cho hàng nông sản Ukraine quá cảnh sẽ được EU đền bù 100 triệu euro.
Ủy viên châu Âu phụ trách nông nghiệp, ông Janusz Wojciechowski cho biết các quốc gia thành viên EU sẽ sớm đạt được thoả thuận về vấn đề này.