Nga có thể rút khỏi Sáng kiến Biển Đen, nguồn cung ngũ cốc toàn cầu trở nên căng thẳng hơn

Nga vừa cho biết có thể không gia hạn Sáng kiến Biển Đen sau ngày 18/5/2023, điều này sẽ khiến nguồn cung ngũ cốc toàn cầu trở nên căng thẳng hơn trong thời gian tới.
Sáng kiến Biển Đen đã góp phần hạ nhiệt đà tăng giá ngũ cốc
 Sáng kiến Biển Đen đã góp phần đáng kể trong việc hạ nhiệt đà tăng giá của ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì và ngô, trên thị trường thế giới trong thời gian qua khi nguồn cung ngũ cốc từ Nga và Ukraine bị ảnh hưởng bởi xung đột quân sự

“Nếu không có tiến triển trong việc giải quyết 5 vấn đề mang tính hệ thống... thì không cần phải đề cập đến việc gia hạn Sáng kiến Biển Đen sau ngày 18/5 tới đây”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong tuyên bố mới nhất.

Sáng kiến Biển Đen hay còn gọi là thoả thuận ngũ cốc được ký kết giữa Nga và Ukraine dưới sự dàn xếp của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đảm bảo nguồn cung ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì và ngô, cho thị trường thế giới trong bối cảnh xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine khiến tuyến đường vận chuyển ngũ cốc tại khu vực Biển Đen bị phong toả. Trước khi cuộc xung độ nổ ra, 90% lượng ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu thông qua khu vực Biển Đen.

Nga nhiều lần yêu cầu những trở ngại mà phương Tây áp đặt với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga cần phải được tháo gỡ, cụ thể là kết nối lại Ngân hàng Nông nghiệp Nga (Rosselkhozbank) với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Đồng thời, Nga cũng yêu cầu phương Tây cần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nước này nhập khẩu máy móc, phụ tùng máy nông nghiệp; dỡ bỏ các hạn chế về bảo hiểm và tái bảo hiểm; nối lại hoạt động đường ống dẫn khí amoniac Togliatti-Odesa; mở lại quyền tiếp cận cảng; và ngừng phong toả tài sản cũng như tài khoản của các doanh nghiệp Nga có thực hiện hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón.

Giới phân tích nhận định việc Nga rút lui khỏi Sáng kiến Biển Đen sẽ khiến căng thẳng nguồn cung ngũ cốc trên toàn cầu niên vụ 2022/2023 (tháng 7/2022 – tháng 6/2023) trở nên nghiêm trọng hơn. Trong báo cáo gần nhất, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) nhận định nhờ Sáng kiến Biển Đen nên giá lúa mì và giá ngô đã hạ nhiệt đáng kể trong thời gian vừa qua, góp phần kiềm chế giá lương thực trên toàn cầu.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo xuất khẩu lúa mì của Nga trong niên vụ 2022/2023 sẽ ở mức 45 triệu tấn, so với mức 33 triệu tấn của niên vụ trước. Trong khi đó, xuất khẩu lúa mì của Ukraine được dự báo sẽ chỉ đạt 14,5 triệu tấn trong niên vụ này, giảm so với mức 18,8 triệu tấn của niên vụ 2021/2022.

Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts, giá xuất khẩu lúa mì loại 12,5% protein của Nga đạt 275 USD/tấn (giá FOB); giá xuất khẩu lúa mì loại 11,5% protein của Ukraine có giá 260 USD/tấn (giá FOB); giá xuất khẩu ngô của Ukraine là 224 USD/tấn.

Sáng kiến Biển Đen được thiết lập hồi tháng 7/2022 được ký kết giữa Nga và Ukraine dưới sự dàn xếp của Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ và có thời hạn trong vòng 60 ngày nhằm nối lại khẩn cấp nguồn cung ngũ cốc, phân bón từ Ukraine và Nga ra thị trường thế giới. Sáng kiến này được gia hạn thêm 120 ngày vào tháng 11/2022 và đang được các bên tham gia đánh giá gia hạn thêm sau ngày 18/5/2023.

Tại thời điểm Nga tham gia Sáng kiến Biển Đen, Bộ Quốc phòng Nga và Liên Hiệp Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ về việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga với thời hạn 3 năm.

Tường Vy