Giá mủ tăng vọt, Cao su Tây Ninh (TRC) báo lãi quý 3 cao gấp 6 lần

Trong bối cảnh giá mủ cao su tăng vọt do thiếu hụt nguồn cung, Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh (mã cổ phiếu TRC) ghi nhận lãi ròng quý 3/2024 tăng gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cao su Tây Ninh
Kết thúc 9 tháng đầu năn, Cao su Tây Ninh đã hoàn thành 145% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh (mã cổ phiếu TRC - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 với doanh thu thuần đạt 220,7 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp đạt 69,4 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 31,5%.

Đồng thời, công ty ghi nhận 3,8 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, tăng gấp hơn 6 lần so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập khác cũng tăng gấp 2 lần lên 31,8 tỷ đồng do diện tích và doanh thu bán thanh lý cây cao su tăng.

Sau khi trừ đi các khoan chi phí và thuế thu nhập doanh nghiệp, Cao su Tây Ninh thu về 73,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Ban lãnh đạo Cao su Tây Ninh cho biết, kết quả kinh doanh khả quan chủ yếu nhờ giá bán mủ cao su tăng, dẫn đến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh mủ cao su khai thác của cả công ty mẹ và công ty con - Công ty Tây Ninh Siêm Riệp PTCS đều tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế doanh thu 9 tháng đầu năm, Cao su Tây Ninh ghi nhận 456 tỷ đồng doanh thu và 101,3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 31% và 405% so với cùng kỳ năm 2023. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, Cao su Tây Ninh đã hoàn thành 114% mục tiêu doanh thu và 145% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính đến cuối quý 3/2024, tổng tài sản của Cao su Tây Ninh đạt 2.084 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương ghi nhận hơn 203 tỷ đồng, tăng gần 92%, và hàng tồn kho tăng 10% lên 55 tỷ đồng.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của Cao su Tây Ninh đạt 369 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu chiếm hơn 82% tổng tài sản, đạt 1.715 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu TRC cao su Tây Ninh
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu TRC của Cao su Tây Ninh từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: Giá cao su lên đỉnh 13 năm, Cao su Phước Hoà (PHR), Cao su Đồng Phú (DPR) “thắng lớn” trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, tình trạng thiếu hụt nguồn cung đang thúc đẩy giá cao su tự nhiên thế giới tăng lên. Trong đó, tình trạng mưa lũ kéo dài Thái Lan, quốc gia cung ứng cao su tự nhiên lớn nhất thế giới (chiếm 33% tổng sản lượng), khiến sản lượng khai thác sụt giảm. Đồng thời, bệnh rụng lá lan rộng tại nhiều quốc gia sản xuất cao su khác đang tác động tiêu cực đến sản lượng và chất lượng mủ. Ngoài ra, ảnh hưởng của bão Yagi làm gián đoạn quá trình thu hoạch vào mùa cao điểm ở Việt Nam cũng như một số quốc gia trong khu vực.

Hiện nhiều tổ chức tài chính dự báo giá cao su sẽ tiếp tục neo cao trong thời gian tới. Chứng khoán Rồng Việt hiện dự báo sản lượng cao su thế giới đang bước vào chu kỳ giảm mới với khả năng thiếu hụt nguồn cung trong cả năm 2025 - 2026, nhất là trong bối cảnh Thái Lan đang triển khai lộ trình giảm diện tích đất trồng cao su trong 20 năm tới nhằm trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Những vùng trồng mới tại các nơi khác dự kiến nhanh nhất có thể cho thu hoạch vào năm 2027 - 2028.

Duy Quang