Vào lúc 10h59 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá ngô theo hợp đồng có khối lượng giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã tăng 0,1% lên mức 3,83 USD/giạ (25,4 kg); trong phiên giao dịch trước đó, giá ngô đã giảm 1,5% xuống mức thấp nhất trong 1 tuần trở lại đây. Giá ngô tăng trở lại chủ yếu do tiến độ thu hoạch ngô tại Hoa Kỳ diễn ra chậm hơn nhiều so với dự kiến của thị trường.
Cụ thể, dữ liệu mới được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công bố cho thấy mới chỉ có 52% diện tích gieo trồng ngô được thu hoạch, thấp hơn so với mức dự báo của thị trường. Trong khi đó, diện tích đậu tương được thu hoạch đã đạt 72% - tương đương với mức dự báo của thị trường. Đối với lúa mì, USDA cho biết đã có 89% diện tích lúa mì vụ đông được gieo trồng, thấp hơn không đáng kể so với mức dự báo của thị trường. Các dự báo thời tiết mới nhất cho thấy tình trạng thời tiết thuận lợi hơn có thể giúp đẩy nhanh tiến độ thu hoạch các loại nông sản tại khu vực Trung Tây Hoa Kỳ trong tuần này.
Hiện tại, thị trường ngô vẫn lo ngại nhu cầu sử dụng ngô ở mức thấp và tâm lý này đang đè nặng lên giá ngô. Theo dữ liệu của USDA, lượng ngô của Hoa Kỳ được kiểm tra để xuất khẩu tính đến thứ 5 tuần trước đã giảm 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, các đơn hàng mới cũng giảm mạnh. Theo đánh giá của một hãng thương mại thức ăn chăn nuôi gia súc tại Singapore, giá ngô Hoa Kỳ hiện kém cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là tại khu vực Châu Á.
Giá đậu tương theo hợp đồng có khối lượng giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT đã tăng 0,1% lên mức 9,38-3/4 USD/giạ (27,2 kg). Đây là phiên giao dịch thứ 4 liên tiếp ghi nhận giá đậu tương tăng lên nhờ các thông tin tích cực về thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Giá lúa mì theo hợp đồng có khối lượng giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT cũng đã tăng 0,3% lên mức 5,11-1/2 USD/giạ.
Đối với mặt hàng đậu tương, thị trường hiện tập trung theo dõi diễn biến thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc trong bối cảnh đang tiến gần đến việc chính thức ký kết thỏa thuận thương mại sơ bộ. Hãng tin Reuters cho biết, Trung Quốc đang gia tăng sức ép lên Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump để đưa việc dỡ bỏ các mức thuế suất nhắm vào hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào thỏa thuận thương mại sơ bộ.
Thị trường cũng theo dõi sát sao diễn biến gieo trồng đậu tương tại khu vực Nam Mỹ. Theo hãng tư vấn nông nghiệp AgRural, tiến độ gieo trồng đậu tương niên vụ 2019/2020 tại Brazil hiện chỉ đạt 46%, thấp hơn mức 60% của cùng kỳ năm ngoái, do tình trạng thiếu mưa tại một số khu vực.