Vào lúc 7h58 sáng nay (ngày 5/5, theo giờ Việt Nam), giá ngô theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) đã tăng 0,2% lên 3,16 USD/giạ (25,4 kg). Đây là phiên đầu tiên giá ngô tăng trở lại sau 2 phiên giảm giá liên tiếp trước đó.
Tuy nhiên, đà tăng cảu giá ngô tiếp tục bị kìm hãm bởi lo ngại nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học ethanol sẽ ở mức yếu dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Khoảng 1/3 số ngô được thu hoạch tại Hoa Kỳ được sử dụng làm nhiên liệu sinh học ethanol. Giá ngô cũng bị kìm hãm bởi dữ liệu cho thấy nông dân Hoa Kỳ đang đẩy nhanh tiến độ xuống giống ngô; Hoa Kỳ là một trong những quốc gia canh tác ngô lớn nhất thế giới.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, tính đến ngày 3/5, nông dân nước này đã xuống giống được 51% diện tích canh tác ngô; con số này cao hơn mức 48% được các chuyên gia tham gia khảo sát của hãng tin Reuters dự báo trước đó.
Trong khi đó, giá lúa mì trên sàn CBOT giảm 0,5% xuống mức 5,17 USD/giạ (27,2 kg) khi tình hình thời tiết tại các khu vực canh tác lúa mì lớn tại Châu Âu được dự báo sẽ có mưa, giúp giảm bớt tác động của đợt khô hạn, qua đó nâng cao triển vọng sản lượng lúa mì của khu vực này. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo tình trạng khô hạn kéo dài tại Châu Âu và khu vực Biển Đen sẽ giảm bớt áp lực giảm giá lên giá lúa mì của Hoa Kỳ trong dài hạn.
Giá đậu tương trên sàn CBOT tăng 0,1% lên 8,37-1/4 USD/giạ (27,2 kg). USDA cho biết, tính đến ngày 3/5, nông dân tại Hoa Kỳ đã xuống giống được 23% diện tích canh tác đậu tương; cao số này cao hơn mức 21% được các chuyên gia tham gia khảo sát của hãng tin Reuters dự báo trước đó. Con số này cũng cao hơn 8% so với dữ liệu một tuần trước đó và cao hơn đáng kể so với mức trung bình 11% của 5 năm gần đây.
Giá các loại ngũ cốc chính vẫn đang chịu áp lực giảm do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng ngô làm nhiên liệu sinh học ethanol và các loại ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi sụt giảm.
Trong ngày 30/4, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết thoả thuận thương mại giai đoạn 1 của Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện có mức quan trọng thứ hai trong mối quan hệ giữa nước này và Trung Quốc, xếp sau việc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho sự bùng phát của đại dịch Covid-19.
Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ do nông sản là một trong những yếu tố then chốt trong thoả thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc. Theo thoả thuận này, Trung Quốc sẽ gia tăng mua thêm 50 tỷ USD nông sản từ Hoa Kỳ trong 2 năm tới.
Trước đó, thị trường kỳ vọng thoả thuận này sẽ giúp gia tăng triển vọng xuất khẩu đậu tương của Hoa Kỳ sang Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới.
Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng đậu tương xuất khẩu của Brazil trong tháng 4/2020 đã chạm mức 16,3 triệu tấn – mức xuất khẩu theo tháng cao nhất trong lịch sử, tăng vọt so với mức 9,4 triệu tấn cùng kỳ năm 2019. Brazil hiện là quốc gia xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới. Trong những tháng gần đây, lượng xuất khẩu đậu tương của Brazil liên tục tăng cao khi nông dân nước này thu hoạch đậu tương với mức sản lượng cao.