Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts cho biết chỉ số S&P GSCI Agriculture Index đo lường biến động của các sản phẩm nông sản chính như ngô, đậu tương đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2014 với mức tăng hơn 48% kể từ tháng 3/2020 – thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát ra toàn cầu.
Ngân hàng Rabobank (Hà Lan), ngân hàng hàng đầu thế giới về đầu tư nông nghiệp, dự báo đà tăng của các sản phẩm nông sản trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục cho đến hết năm nay do nhu cầu tăng, đồng thời lo ngại rủi ro thời tiết cũng như các rủi ro liên quan đến đại dịch Covid-19 khiến việc tích trữ tăng lên. Nhu cầu hiện nay trên thị trường đối với đường, ca cao, cà phê và bông đang ở mức rất cao, theo Rabobank.
Ngân hàng Rabobank nhận định mặc dù nhu cầu đối với các loại nông sản trên thị trường toàn cầu có thể đang bị phóng đại nhưng cũng rất khó để điều chỉnh giảm nhu cầu cũng như kìm hãm đà tăng của giá các loại hàng hoá nông sản trong thời gian tới vì một số lý do.
Thứ nhất, môi trường lãi suất thấp trên toàn cầu cùng với việc các quốc gia có thể tiếp tục tung ra các gói kích thích kinh tế bổ sung đã kích thích giới đầu tư tìm kiếm các kênh đầu tư phù hợp, trong đó có việc gia tăng đầu tư vào các mặt hàng nông sản như ngô, đậu tương, đường…
Thứ hai, nhu cầu về nông sản tăng cao không hoàn toàn để sử dụng ngay mà chủ yếu cho việc dự trữ, đề phòng các rủi ro cũng như đáp ứng nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi và ngành chăn nuôi.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết hiện tượng khí hậu cực đoạn La Nina năm 2020-2021 đã vượt qua mức đỉnh, nhưng tác động của nó lên nhiệt độ, lượng mưa và bão vẫn tiếp diễn. La Nina gây ra các tác động trên diện rộng lên khí hậu toàn cầu, gây ra mưa lớn và lũ lụt tại một số khu vực, đồng thời gây khô hạn tại một số nơi khác.
Theo ngân hàng Rabobank, các lo ngại về tình trạng thời tiết bất lợi và rủi ro gián đoạn nguồn cung do dịch bệnh gây ra sẽ tiếp tục đẩy giá hàng hoá nông sản lên cao. Diễn biến thời tiết xấu trong năm nay tại Nga có thể ảnh hưởng đến nguồn cung lúa mì toàn cầu. Trong khi đó, tình trạng thời tiết khô hạn được dự báo sẽ làm giảm sản lượng nhiều loại nông sản của Brazil và Argentina như đậu tương, ngô, bông, mía đường và cà phê.
Bên cạnh đó, giá các loại hàng hoá nông sản cũng bị đẩy cao lên trong bối cảnh chi phí vận chuyển bằng đường biển tăng. Kể từ giữa năm ngoái, chi phí vận chuyển trên toàn cầu đã tăng mạnh do nhiều tàu vận tải không được cập cảng, thiếu hụt container chuyên chở hàng hoá và thủ tục thông quan kéo dài.
Tình trạng thiếu hụt container đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi nhu cầu xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc gia tăng. Ngân hàng Rabobank cho biết chi phí vận chuyển hàng bằng container đã đạt mức cao kỷ lục, đặc biệt là các tuyến khu vực Đông Nam Á với chi phí vận chuyển hiện cao gấp đôi so với hồi tháng 10/2020.
Container đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển các cà phê, đường, sữa, thịt và các sản phẩm thực phẩm khác. Tình trạng thiếu hụt container có thể kéo dài đến hết nửa đầu năm nay, theo Rabobank.