Tuần cuối tháng 8, giá quặng hàm lượng 62% sắt tính theo chỉ số Platts giảm xuống còn 90 USD/tấn, trong vòng 1 tháng đã giảm gần 10 USD và là mức thấp nhất kể từ nửa cuối năm 2009. Trong khi đó, ngày 29/8, giá quặng sắt theo hợp đồng 1501 tại Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên có giá 628 NDT/tấn, hợp đồng số 1409 giảm xuống dưới mức 600 NDT/tấn. Kể từ đầu năm tới nay, giá quặng sắt hàng giao sẵn đã giảm hơn 30%.
Các chuyên gia nhận định, quặng sắt rơi vào đợt giảm giá mạnh nguyên nhân chủ yếu do tồn kho cao trong khi nhu cầu yếu. Điều đáng chú ý là, hiện nay các mỏ quặng đang mở rộng khai thác, áp lực nguồn cung lớn cũng có khả năng ảnh hưởng lâu dài tới giá quặng. Bắt đầu kể từ năm 2009, thị trường dần bước vào thời kỳ cơ cấu cung cầu có sự chuyển đổi và kể từ sau năm 2013, thị trường thường trong tình trạng cung lớn hơn cầu.
Số liệu mới nhất do ngân hàng ANZ cung cấp cho thấy, chi phí bình quân của các doanh nghiệp quặng lớn của Australia cho mỗi tấn quặng vào khoảng 40 – 50 USD, tuy giá quặng sắt đã tiến gần tới mức đáy thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây nhưng những doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tăng sản lượng.
Chuyên gia phân tích cho rằng, các hãng quặng lớn như BHP, Rio Tinto và FMG mở rộng sản xuất nên sản lượng quặng sắt của thế giới tăng nhanh. Lượng quặng sản lượng tăng mới phần lớn được vận chuyển về Trung Quốc, mỗi tháng lượng quặng sắt nhập khẩu của nước này đạt tới từ 70 triệu đến 80 triệu tấn, mức tăng cung ứng cao hơn nhiều so với sản xuất, thậm chí nếu như nhu cầu tăng mạnh hơn nữa thì các nhà máy cũng không thể tiêu thụ hết được quặng tồn kho, do đó, lượng quặng tồn kho tại cảng khẩu luôn duy trì ở mức khoảng 110 triệu tấn.
Sản lượng quặng trên thế giới tăng nhanh và liên tục đổ về Trung Quốc. Số liệu hải quan cho thấy, trong tháng 7, lượng quặng và tinh quặng sắt Trung Quốc nhập khẩu là 82,52 triệu tấn, tăng 12,82% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 10,67% so với tháng 6; giá nhập khẩu bình quân đạt 92,28 USD/tấn, giảm 22,1% so với cùng kỳ và giảm 9,96% so với tháng trước.
Trên thực tế, trong 7 tháng đầu năm 2014, lượng quặng sắt nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh, với mức bình quân hàng tháng đạt 78,4 triệu tấn, tăng 10 triệu tấn so với mức bình quân cùng kỳ năm 2013, tương đương 15,4%.
Trong khi đó, theo số liệu của Hiệp hội sắt thép Trung Quốc, nửa đầu năm 2014, mức đầu tư tài sản cố định của ngành sắt thép Trung Quốc giảm 7% so với cùng kỳ năm 2013.
Cũng theo Hiệp hội sắt thép Trung Quốc, trong 7 tháng đầu năm, sản lượng của ngành này đã tăng chậm lại. Sản lượng gang đạt 422 triệu tấn, tăng 0,4%; sản lượng thép thô đạt 418 triệu tấn, tăng 2,7%.
Ngoài ra, do tình trạng tồn kho quặng luôn ở mức cao, các thương nhân đã giảm giá quặng để kích thích tiêu thụ nhằm thu hồi vốn, vì vậy, quặng sắt hàng giao sẵn liên tục trượt giá.
Trả lời về vấn đề giá quặng sắt hiện nay, Morgan Stanley cho biết, giá quặng yếu là do nhu cầu tiêu thụ thời vụ ở mức thấp. Tuy nhiên, giá quặng có khả năng hồi phục trở lại do tồn kho quặng tại các nhà máy sản xuất đã gần chạm đáy trong khi sản lượng quặng trong nước của Trung Quốc lại giảm.
Morgan Stanley dự báo, trong quý IV năm nay, giá quặng săt có khả năng trở lại mức 97 USD/tấn và mức giá trong quý I năm sau là 92 USD/tấn.