Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Fastmarkets MB (Anh) cho thấy giá quặng sắt loại chứa hàm lượng 62% sắt nhập khẩu tại khu vực phía Bắc Trung Quốc trong ngày 21/7 đạt 214,79 USD/tấn, giảm mạnh 3,1% so với mức giá ngày 20/7.
Chốt phiên giao dịch ngày 21/7, giá quặng sắt giao tháng 9/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE) cũng giảm mạnh 3,9% xuống còn 1.174 Nhân dân tệ (tương đương 181,33 USD)/tấn.
Giá quặng sắt chịu áp lực giảm trở lại sau khi thông tin cho thấy một số hãng sản xuất thép tại các tỉnh Giang Tô, Phúc Kiến và Vân Nam (Trung Quốc) được chính quyền địa phương yêu cầu cắt giảm sản lượng. Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã cho biết sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất thép và kiềm chế sản lượng thép thô năm nay ngang bằng với mức năm 2020 nhằm đạt mục tiêu cắt giảm lượng khí nhà kính phát thải.
Thị trường lo ngại hoạt động sản xuất thép suy yếu sẽ khiến nhu cầu sử dụng quặng sắt của Trung Quốc, nước nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, giảm xuống trong nửa cuối năm nay. Đồng thời, dữ liệu mới nhất cũng cho thấy lượng quặng sắt nhập khẩu cập cảng Trung Quốc đã tăng trở lại trong tuần trước.
Dữ liệu của hãng tư vấn thị trường thép SteelHome (Trung Quốc) cho thấy lượng quặng sắt tồn trữ tại các cảng biển chính của Trung Quốc tính đến cuối tuần trước đạt 127,34 triệu tấn, đánh dấu tuần tăng thứ ba liên tiếp.
Trong hơn 1 tuần trở lại đây, giá quặng sắt tại Trung Quốc đã tăng trở lại khi thị trường lo ngại nguồn cung quặng sắt trên toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức thấp trong nửa cuối năm nay. Sản lượng khai thác quặng sắt của nhiều hãng khai khoáng lớn nhất thế giới như Vale SA và Rio Tinto trong nửa đầu năm nay cũng thấp hơn kỳ vọng của giới phân tích.
Mặc dù Chính phủ Trung Quốc sẽ gia tăng kiểm soát hoạt động sản xuất thép, ông Nicholas Snowdon, trưởng bộ phận thị trường kim loại cơ bản của tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ), cho rằng đà tăng giá của quặng sắt sẽ khó chấm dứt trước năm 2023.
Ông Nicholas Snowdon cho biết tăng trưởng nhu cầu sử dụng thép tại Trung Quốc liên tục ở mức cao trong 3 năm gần đây và ngay cả khi nhu cầu sử dụng thép của nước này có dấu hiệu suy giảm trong nửa cuối năm nay và trong năm 2022 thì nhu cầu sử dụng thép của các quốc gia khác vẫn ở mức rất lớn.
Trong khi đó, các hãng khai thác quặng sắt lớn hiện không có kế hoạch mở rộng sản xuất bất chấp việc giá quặng sắt đạt mức cao kỷ lục do các vấn đề liên quan đến vốn đầu tư.