Trong tháng 6 vừa qua, giá các loại gạo trắng 5% tấm trên thị trường Châu Á đều đạt trên 400 USD/tấn. Đặc biệt, vừa mới cuối tháng 3 vừa qua, giá gạo trắng 5% tấm của Việt Nam và Thái Lan giữ ở mức cao, trên ngưỡng 500 USD/tấn (giá FOB). Giá gạo duy trì xu hướng tăng liên tục trong suốt một năm rưỡi vừa qua khi nhiều quốc gia đẩy mạnh nhập khẩu gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cũng như nguồn cung gạo trên thị trường suy yếu.
Tuy nhiên, giá gạo trắng Châu Á hiện bắt đầu có xu hướng giảm xuống nhanh và mạnh hơn thông thường trong những tuần gần đây. Nguyên nhân chủ yếu do việc khan hiếm tàu chuyên chở hàng rời lẫn chuyên chở container, và giá cước vận chuyển đường biển tăng cao kỷ lục đang khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gạo lưỡng lự hoặc tạm ngưng thu mua.
Bên cạnh đó, thị trường còn chịu áp lực giảm từ yếu tố thời vụ; giá gạo Châu Á thường có xu hướng suy giảm trong khoảng từ tháng 6 – 8 hàng năm khi các nước xuất khẩu gạo lớn bắt đầu tiến hành thu hoạch.
Hãng S&P Global Platts cho biết đa phần các nhà xuất khẩu gạo được hỏi đều cho biết nhu cầu trên thị trường vẫn có, đặc biệt là khi giá FOB giảm theo yếu tố mùa vụ, nhưng việc giá cước vận chuyển tăng cao hoặc các khó khăn trong việc vận chuyển hàng đang khiến hoạt động xuất khẩu gạo suy yếu.
Một hãng môi giới giao dịch gạo tại Châu Âu cho biết mặc dù gạo tấm chất lượng cao của Myanmar hiện được chào bán tại mức 320 USD tấn (giá FOB FCL) nhưng giá cước vận chuyển lô hàng đến khu vực Bắc Âu hiện ở mức trung bình 9.000 USD/TEU hay 360 USD/tấn, con số này cao hơn 13% so giá sản phẩm. Ngay cả khi các bên mua hàng chấp nhận chi trả giá cước vận chuyển ở mức cao thì việc tìm được tàu để vận chuyển hàng cũng gặp nhiều khó khăn.
Hãng S&P Global Platts dẫn lời một nhà xuất khẩu gạo tại Pakistan cho biết nhiều thương nhân nhập khẩu gạo trên thế giới đang tạm ngưng mua hàng với kỳ vọng giá cước vận chuyện sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới cũng như chờ giá gạo tại thị trường nội địa tăng lên, theo kịp với đà tăng của giá cước vận chuyển.
Việc đẩy mạnh thu mua gạo trong năm ngoái cũng giúp các nhà nhập khẩu gạo duy trì kho dự trữ ở mức cao, cho phép giãn tiến độ mua hàng dài hơn để quan sát tình hình thị trường trong nửa cuối năm nay.
Xu hướng này được phản ánh qua dữ liệu xuất khẩu gạo của các nước đã suy giảm trong thời gian vừa qua. Cụ thể, Cục Thống kê Pakistan ước tính lượng gạo xuất khẩu của nước này trong tháng 5 vừa qua đã giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu gạo (không bao gồm gạo thơm Hom Mali) của Thái Lan tính từ đầu năm nay đến ngày 11/7 vừa qua cũng giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Dữ liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy xuất khẩu gạo của nước ta trong 6 tháng đầu năm nay đã giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Ấn Độ lại là quốc gia duy nhất ghi nhận tăng trưởng về xuất khẩu gạo với lượng xuất khẩu đạt kỷ lục 2,02 triệu tấn trong tháng 4 vừa qua, cao hơn gấp đôi so với hồi tháng 4/2020. Nguyên nhân chủ yếu do giá FOB của gạo Ấn Độ được định giá thấp hơn đáng kể so với các loại gạo của Việt Nam hoặc Thái Lan, giúp thu hút lượng lớn đơn hàng.
Giới quan sát nhận định với việc giá gạo Thái Lan và Việt Nam đang giảm xuống, lợi thế về giá của gạo Ấn Độ sẽ bị thu hẹp và tốc độ xuất khẩu gạo của nước này sẽ chững lại. Trong khi đó, xuất khẩu gạo của các nước còn lại sẽ được cải thiện hơn.