Chốt phiên giao dịch cuối tuần này ngày 1/7 (theo giờ địa phương), giá quặng sắt giao tháng 9/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (DCE, Trung Quốc) đã giảm mạnh 4,8% xuống còn 764 Nhân dân tệ (114,01 USD)/tấn. Tính chung cả tuần này, giá quặng sắt trên sàn DCE đã giảm gần 3%.
Trên Sàn giao dịch Singapore (SGX), giá quặng sắt giao tháng 8/2022 cũng giảm tới 4,1% xuống còn 114,10 USD/tấn.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường SteelHome (Trung Quốc) cho thấy giá quặng sắt loại chứa hàm lượng 62% sắt giao ngay tại khu vực phía Bắc Trung Quốc đã giảm mạnh từ mức 124 USD/tấn trong ngày 30/6 xuống còn 122 USD/tấn trong ngày 1/7, qua đó xoá sạch mức tăng của mặt hàng này trong năm nay. Giá quặng sắt giao ngay tại khu vực phía Bắc Trung Quốc thường được xem là mức giá tham khảo chuẩn cho các giao dịch quặng sắt tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tương tự như hầu hết các loại hàng hoá, nguyên liệu thô được giao dịch trên thị trường quốc tế, giá quặng sắt chịu áp lực tiêu cực từ lo ngại rủi ro nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái ngày càng cao khi hàng loạt ngân hàng trung ương lớn siết chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm sẽ khiến nhu cầu sử dụng các loại hàng hoá, nguyên liệu thô giảm xuống.
Bên cạnh đó, giá quặng sắt còn chịu áp lực từ lo ngại Trung Quốc sẽ tiếp tục kiểm soát chặt sản lượng thép của nước này trong năm nay. Trung Quốc hiện là quốc gia các sản lượng thép thô và nhập khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới. Hàng loạt hãng sản xuất thép tại Trung Quốc hiện đã phải giảm công suất do nhu cầu sử dụng thép tại nước này suy yếu và lượng thép tồn kho trên thị trường ở mức cao.
Trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE, Trung Quốc), giá thép xây dựng đã giảm 1,2% trong phiên giao dịch ngày 1/7, chấm dứt mạch tăng giá kéo dài 6 phiên liên tiếp. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) cũng giảm 1,3% và giá thép không gỉ giảm tới 2%.
Giới truyền thông Trung Quốc cho biết một số nhà máy sản xuất thép tại tỉnh Hồ Bắc đã ngưng hoạt động, thực hiện công tác bảo dưỡng sớm hơn mọi năm do lượng thép tồn kho đã chạm mức cao kỷ lục. Hồ Bắc hiện là địa phương có sản lượng thép lớn nhất Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích lo ngại nếu thị trường bất động sản tại Trung Quốc không có dấu hiệu cải thiện trong thời gian tới thì nhu cầu sử dụng thép tại nước này sẽ vẫn ở mức thấp. Hoạt động xây dựng thường chiếm đến 40% tổng nhu cầu sử dụng thép tại Trung Quốc.
Ông Warren Patterson, trưởng bộ phận chiến lược thị trường hàng hoá tại tập đoàn ngân hàng ING (Hà Lan), cho biết “Ngoài Trung Quốc, sản lượng thép tại một số nền kinh tế cũng đang chịu áp lực giảm xuống. Các nhận định về suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng lớn đang tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu sử dụng thép trên toàn cầu”.
Ông Warren Patterson cũng cảnh báo các quốc gia xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới như Australia và Brazil có khả năng sẽ đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, điều này sẽ khiến quặng sắt chịu áp lực giảm mạnh hơn nữa.