Việc giá các loại hàng hoá cơ bản từ dầu thô đến kim loại cơ bản công nghiệp tăng cao liên tục trong giai đoạn vừa qua đã đẩy giá các sản phẩm công nghiệp như các loại hoá chất và thép tăng lên.
Bên cạnh đó, sự gián đoạn trong hoạt động vận chuyển dưới các tác động của đại dịch Covid-19 cùng với sự phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đang góp phần đẩy giá bán buôn hàng hoá trên toàn cầu tăng cao.
Dữ liệu của thời báo kinh tế Nikkei Asian Review (Nhật Bản) cho thấy chỉ số giá sản xuất của các nền kinh tế lớn trên thế giới đã tăng lên kể từ mùa thu năm ngoái. Cụ thể, con số này ở Nhật Bản và Anh đã tăng 1%, tăng 2% ở Hoa Kỳ và Đức, tăng khoảng 3% tại Nga.
Chỉ số giá đo lường giá hàng hoá của các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ, Đức, Pháp và Nga hiện đã vượt ngưỡng trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra hồi tháng 1/2020.
Sự tăng giá của dầu thô trong giai đoạn vừa qua được xem là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá hàng hoá của các doanh nghiệp trên toàn cầu tăng lên. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô thế giới đã tăng 26%, có lúc tiến sát ngưỡng 70 USD/thùng trong ngày 8/3 vừa qua. Hiện giá dầu thô Brent được giao dịch quanh mức 64,02 USD/thùng, vượt mức giá hồi tháng 1/2020 – thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu.
Việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại nhiều nơi trên thế giới và các gói kích thích kinh tế lớn được tung ra trên toàn cầu đã kích thích triển vọng phục hồi nhu cầu dầu mỏ, qua đó đẩy giá dầu thô tăng lên.
Ngoài ra, các quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn trên thế giới như Ả-rập Xê-út và Nga vẫn tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác ở mức lớn. Giới đầu tư cũng đổ dòng vốn vào thị trường hàng hoá bao gồm dầu mỏ trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng chưa từng thấy.
Giữa tháng 2/2021, ngành công nghiệp dầu mỏ của Hoa Kỳ hứng chịu cú sốc nghiêm trọng khi hàng loạt nhà máy lọc hoá dầu và khai thác dầu mỏ tại tiểu bang Texas nước này phải ngưng hoạt động do thời tiết giá lạnh bất thường, gây thiếu hụt điện và nước phục vụ sản xuất. Tình trạng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung ứng các sản phẩm lọc hoá dầu và nhựa trên toàn cầu.
Giá một số loại nhựa nguyên liệu vốn được sử dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất hiện đã tăng gấp đôi so với hồi mùa năm ngoái. Giới phân tích cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguyên liệu nhựa có thể kéo dài trong những tháng tới đây do các nhà máy lọc hoá dầu và sản xuất hoá chất tại tiểu bang Texas chưa thể sớm khôi phục hoạt động hoàn toàn.
Sự sụp đổ hệ thống năng lượng tại tiểu bang Texas giữa tháng 2 vừa qua còn khiến một số cơ sở sản xuất chip bán dẫn ngưng hoạt động, khiến tình trạng thiếu hụt sản phẩm này trên toàn cầu trở nên trầm trọng hơn. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng các sản phẩm điện tử như máy tính và xu hướng sở hữu xe riêng thay vì dùng phương tiện công cộng đã làm bùng nổ nhu cầu về chịp bán dẫn. Dự kiến nguồn cung chip trên toàn cầu sẽ chỉ được cải thiện trong nửa cuối năm nay.
Bên cạnh đó, giới phân tích cũng chỉ ra rằng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã khiến nhu cầu nhiều loại hàng hoá cơ bản tăng cao, bao gồm kim loại đồng và quặng sắt. Giá kim loại đồng vừa qua đã chạm mức cao nhất trong 9 năm trở lại đây và hiện được giao dịch quanh mức 4,11 USD/pound (0,454 kg).
Giá giao dịch nhựa nhiệt dẻo được sử dụng trong nhiều sản phẩm, bao gồm bao bì, dệt may đếm phụ tùng ô tô ở Châu Á đã tăng hơn 10% so với đầu năm, chủ yếu do nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh. Điều này đã dẫn đến sự thiếu hụt nhựa ở Châu Âu.
Ngân hàng Rabobank (Hà Lan), ngân hàng hàng đầu thế giới về đầu tư nông nghiệp, dự báo đà tăng của các sản phẩm nông sản trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục cho đến hết năm nay do nhu cầu tăng, đồng thời lo ngại rủi ro thời tiết cũng như các rủi ro liên quan đến đại dịch Covid-19 khiến việc tích trữ tăng lên. Nhu cầu hiện nay trên thị trường đối với đường, ca cao, cà phê và bông đang ở mức rất cao, theo Rabobank.
Bên cạnh đó, giá các loại hàng hoá nông sản cũng bị đẩy cao lên trong bối cảnh chi phí vận chuyển bằng đường biển tăng. Kể từ giữa năm ngoái, chi phí vận chuyển trên toàn cầu đã tăng mạnh do nhiều tàu vận tải không được cập cảng, thiếu hụt container chuyên chở hàng hoá và thủ tục thông quan kéo dài.
Tình trạng thiếu hụt container đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi nhu cầu xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc gia tăng. Giá cước vận chuyển container trên nhiều tuyến vận chuyển quan trọng đang ở mức cao kỷ lục, tăng từ 140% đến 700% trên nhiều tuyến vận chuyển so với cùng kỳ năm trước.
Hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts (Anh) nhận định giá cước vận tải container đường biển sẽ tiếp tục neo ở mức cao cho ít nhất đến cuối năm nay và sẽ chỉ giảm xuống khi việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đạt hiệu quả, giúp giải toả các khó khăn liên quan đến nguồn cung container và lượng tàu hàng chuyên chở.