Chốt phiên giao dịch sáng nay (ngày 19/3), giá quặng sắt theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hoá Đại Liên (LME) đã giảm 5,8% xuống mức 639 NDT (90,46 USD)/tấn – mức thấp nhất kể từ ngày 10/3/2019. Trong khi đó, giá quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hoá Singapore (SICOM) đã giảm 3,5%.
Trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE), giá thép xây dựng đã giảm 6,5% xuống còn 3.329 NDT/tấn – mức thấp nhất kể từ ngày 2/3/2020. Trong khi đó, giá thép cuộn cán nóng cũng đã giảm 6% xuống còn 3.280 NDT/tấn – mức thấp nhất kể từ ngày 4/2/2020; giá thép không gỉ giảm 2,5%.
Theo dữ liệu của hãng tư vấn thị trường SteelHome, giá quặng sắt loại chứa 62% hàm lượng sắt giao ngay tại Trung Quốc trong ngày 18/3 được giữ tại mức 92,5 USD/tấn – mức cao nhất kể từ ngày 24/2/2020.
Giá quặng sắt và thép trên thị trường Trung Quốc chịu áp lực giảm trong bối cảnh các biện pháp kinh tế đối phó với sự bùng phát của đại dịch virus Covid-19 mới được nhiều nước công bố chưa đủ sức trấn an giới đầu tư. Thị trường lo ngại nền kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng suy thoái trước các tác động tiêu cực của dịch virus Covid-19.
Ông Tapas Strickland, trưởng bộ phân nghiên cứu kinh tế tại Ngân hàng quốc gia Australia, nhận định “Các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang làm những gì mà họ có thể làm nhưng đến giờ vẫn chưa rõ liệu các hoạt động kinh tế sẽ bị ngưng trệ vì dịch bệnh trong bao lâu”. Ông Tapas Strickland cũng đưa ra khuyến cáo “Cần theo dõi chặt chẽ các diễn biến kiểm soát dịch bệnh tại Trung Quốc”.
Trung Quốc hiện đang đối mặt với số lượng người nhiễm bệnh đến từ bên ngoài lên mức kỷ lục, khiến chính phủ nước này phải kiểm soát chặt chẽ các hành khách đến nước này để tránh việc bùng phát làn sóng lây nhiễm lần hai của dịch bệnh.
Sản lượng thép của Trung Quốc chiếm hơn 50% tổng sản lượng thép toàn cầu. Trung Quốc cũng là quốc gia sử dụng khoảng 50% tổng lượng vật tư xây dựng và nguyên liệu sản xuất trên toàn cầu.
Tập đoàn tài chính Moody’s Investors Service vừa đưa ra cảnh báo sự bùng phát của dịch virus Covid-19 tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có thể khiến các nền kinh tế ở đây suy yếu do các chuỗi cung ứng bị đứt vỡ, nhu cầu tiêu thụ nội địa sụt giảm và các cản trở trong lưu thông hàng hoá – dịch vụ giữa các quốc gia. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dường là thị trường trọng điểm đối với các sản phẩm sắt thép của Trung Quốc.